Chứng khoán Việt Nam 2019 tăng trưởng dẫn đầu khối ASEAN, NĐT có cơ sở kì vọng năm 2020?
Giới đầu tư hoài nghi về thị trường
Xuyên suốt 2019, triển vọng "kinh tế vĩ mô Việt Nam tích cực và ổn định" thường xuyên xuất hiện trên báo cáo phân tích tháng của các công ty chứng khoán và các quĩ đầu tư hàng đầu.
Với đánh giá trên, không ít nhà đầu tư đặt kì vọng vào thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và kênh đầu tư cổ phiếu nói riêng trong năm nay.
Quí đầu năm, TTCK Việt Nam tăng trưởng mạnh và lình xình trong hai quí sau đó. Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 11, thị trường bất ngờ đảo chiều và lấy đi toàn bộ thành quả trong 5 tháng trước đó, góp phần tác động không nhỏ tâm lí của NĐT trên thị trường.
Cú lao dốc đột ngột của thị trường khiến giới đầu tư chứng khoán đặt ra các "thuyết âm mưu" để lí giải cho việc giảm điểm ngay sau khi VN-Index vượt mốc 1.000 điểm mà "năm lần, bẩy lượt" chinh phục không thành công trước đó.
Cùng sự hoài nghi, giữa tháng 12, trên trang cá nhân của ông Lê Hải Trà, người phụ trách điều hành Hội đồng Quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đăng tải dòng trạng thái: "Nhìn VN-Index, không nghĩ các chỉ số thế giới liên tiếp lập đỉnh mới".
Trong bối cảnh hiện tại, một câu hỏi lớn của giới đầu tư rằng TTCK Việt Nam có đang "lệch sóng" so với các thị trường khác trên thế giới?
Thua xa thị trường lớn, TTCK Việt Nam vẫn đứng top tăng trưởng trong khối ASEAN
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá kém khởi sắc trong tương quan so sánh với hiệu suất với các thị trường lớn trong khu vực châu Á. Kể từ đầu năm đến phiên 24/12, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng đến 19,06%, cùng với đó chỉ số TAIXE của Đài Loan tăng mạnh với 23,12%.
Trong khi đó, hiệu suất của VN-Index đạt 7,43% kể từ đầu năm, ngang bằng với mức tăng trưởng 7,3% của KOSPI của Hàn Quốc.
Nhìn sang hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, mặc dù trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn ra, chỉ số Dow Jones của Mỹ và Shanghai Composite của Trung Quốc cũng tăng lần lượt 22,39% và 19,6%. Thậm chí, chỉ số Nasdaq của Mỹ tăng đến 37,38%. Cả hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq đều đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Với các thị trường đã phát triển như châu Âu và Australia cũng diễn biến khởi sắc trong năm nay. Điển hình, tại thị trường chứng khoán Đức, chỉ số DAX tăng 25,97% kể từ đầu năm 2019, FTSE 100 của Anh tăng 13,39%, ASX 200 của Australia tăng 20,33%.
Đáng chú ý hơn, chỉ số RSTI đại diện thị trường chứng khoán Nga ghi nhận mức tăng ấn tượng, lên đến 44,04% kể từ đầu năm 2019.
Hiệu suất ấn tượng từ các TTCK lớn và sự kiện chứng khoán Mỹ vượt đỉnh lịch sử khiến giới đầu tư tại Việt Nam càng thêm hoài nghi thị trường đang "lệch sóng" và chưa tương xứng với các tiềm năng như những gì mà giới phân tích đưa ra. Quan điểm này liệu có đúng?
Khi so sánh trong phạm vi hẹp hơn là khu vực Đông Nam Á, TTCK Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 7,43% của VN-Index. Trong khi, chỉ số PSEi của Philippines theo sau với mức tăng 5,45%. Các thị trường Thái Lan, Singapore và Indonesia ghi nhận hiệu suất dưới 5%, thậm chí KLCI Index của Malaysia giảm 5,11% kể từ đầu năm.
"Chúng ta giữ được chỉ số VN-Index như thế này cũng là lỗ lực cao"
Đánh giá về TTCK Việt Nam năm nay, theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN): "Thực ra thị trường có lên có xuống, có cung cầu. Nhưng thực sự năm 2019 là năm khó khăn. Năm 2017 thì quá tốt rồi".
"Quan điểm tôi đánh giá, trong bối cảnh năm nay có nhiều vấn đề nền kinh tế thế giới, địa chính trị cũng như xung đột, chúng ta giữ được chỉ số VN-Index như thế này cũng là lỗ lực cao. Đặc biệt, thị trường của chúng ta không có nhiều vấn đề lớn, không có vấn đề gì ảnh hưởng đến toàn cục chung của nền kinh tế", ông Phạm Hồng Sơn đánh giá sâu hơn.
Mặc dù đạt hiệu suất cao hơn so với các thị trường trong khối ASEAN, với góc độ từ cơ quan quản lí thị trường, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng chỉ ra "điểm trừ" của TTCK Việt Nam trong năm nay đó là thanh khoản sụt giảm.
Cụ thể, thanh khoản bình quân phiên kể từ đầu năm giảm 29% so với năm ngoái, xuống còn 4.383 tỉ đồng/phiên. Theo đó, xếp hạng về khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày của TTCK Việt Nam giảm từ vị trí thứ 4 trong các nước ASEAN năm 2018 xuống vị trí thứ 5 trong năm nay.
Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn đang thể hiện vai trò kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.
"Thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt 82% GDP. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đã được 12%, thị trường trái phiếu Chính phủ đạt được 22 – 23%. Tổng cộng là trên 100%. Quy mô vốn tín dụng ngân hàng đạt khoảng 120 – 130% GDP. Như vậy thị trường vốn và thị trường ngân hàng tương đối ngang nhau. Về nguyên tắc, huy động vốn trung dài hạn và ngắn hạn tương đối cân bằng nhau", ông Phạm Hồng Sơn phân tích.
TTCK Việt Nam là điểm đến của dòng vốn ngoại và ETF
Bên cạnh việc đảm bảo vai trò quan trọng của thị trường vốn, TTCK Việt Nam còn có tâm dòng vốn của các quĩ đầu tư và ETF, tâm điểm là dòng tiền từ khối ngoại.
Theo thống kê, năm 2019 UBCKNN đã cấp phép chào bán và thành lập 8 quĩ đầu tư chứng khoán mới, 4 văn phòng đại diện công ty quản lí quĩ nước ngoài. Cùng với sự gia tăng về số lượng, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của quĩ đạt gần 34.000 tỉ đồng, tăng hơn 11.000 tỉ đồng so với cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, dòng tiền ETF tiếp tục vào kể từ đầu năm. Giá trị vào ròng của các quĩ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến ngày 24/12 đạt 234 triệu USD (tương đương hơn 5.400 tỉ đồng), tăng gần 19% so cùng kì. Theo đó, tổng tài sản của các quĩ ETF nâng lên 918 triệu USD (tương đương 21.210 tỉ đồng).
Nếu so sánh với các quốc gia khác trong khối ASEAN, dòng tiền ETF vào TTCK Việt Nam trong năm 2019 xếp sau Singapore và Thái Lan, nhưng cao hơn so với các thị trường khác như Indonesisa, Malaysia, Phippines. Trong khi số lượng ETF tại TTCK Việt Nam thấp hơn đáng kể so với con số 14 ETF tại Singapore và 19 ETF tại Thái Lan.
Những ETF đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng tiền vào TTCK Việt Nam năm nay như VNM ETF (tăng qui mô thêm 101 triệu USD), E1VFVN30 (90 triệu USD) và KIM ETF (21,2 triệu USD).
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam vẫn chưa có những tín hiệu khởi sắc, giao dịch lình xình tạo đáy trong những ngày cuối năm. Cùng với đó là khả năng cao là thị trường đóng cửa năm 2019 dưới mốc 1.000 điểm tác động đến tâm lí của NĐT. Nhưng kết quả so sánh về hiệu suất trong khu vực ASEAN và việc ETF vào ròng đang cho thấy những tín hiệu của thị trường trong năm nay; liệu giới đầu tư có đang quá bi quan?