Giá xăng dầu trong nước có thể hạ nhiệt vào ngày mai?
Giá dầu thô thế giới giảm mạnh
Gần đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và liên minh OPEC+ đều dự đoán giá dầu thô thế giới có thể sẽ giảm mạnh khi thị trường chuyển từ trạng thiếu hụt cung sang dư cung trong các tháng tới.
Trong báo cáo mới nhất, IEA cho biết theo các chỉ báo, nguồn cung trên thị trường dầu mỏ thế giới hiện còn bị siết chặt, song giá dầu có thể sắp sửa hạ nhiệt. "Trái với kỳ vọng của các nhà lãnh đạo tại COP26, giá dầu có thể giảm không phải vì nhu cầu đi xuống, mà vì nguồn cung sắp tăng lên", báo cáo viết.
IEA nói thêm, nhu cầu dầu mỏ cũng đang tăng cao hơn do lượng tiêu thụ xăng dầu nhảy vọt và hoạt động du lịch quốc tế khởi sắc khi ngày càng nhiều nước mở cửa biên giới.
Tuy nhiên, giá dầu thô quá cao, hoạt động công nghiệp chững lại và đại dịch COVID-19 tái bùng phát đáng báo động ở châu Âu có thể kìm hãm đà tăng của dầu thô.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy khả năng giá dầu thô sụt mạnh khi các nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp xả kho dự trữ chiến lược.
Hôm 23/11, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia (SPR). Hàng chục triệu thùng dầu sẽ bắt đầu được tung ra thị trường từ giữa đến cuối tháng 12 năm nay.
Ghi nhận tại thời điểm 6h50 ngày 24/11 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giảm 0,32% xuống 78,28 USD/thùng, còn giá dầu thô Brent giao tháng 1 giảm 0,15% xuống 82,16 USD/thùng.
Giá xăng dầu trong nước sắp hạ nhiệt?
Trước kỳ điều hành giá ngày mai (25/11), dữ liệu từ Bộ Công Thương chỉ mới cập nhật giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore, nguồn cung chính của Việt Nam, đến ngày 17/11. Theo đó, giá thành phẩm tại Singapore đối với xăng E5 RON 92 và RON 95 giảm khoảng 7 - 8% so với kỳ điều hành trước. Giá dầu hỏa cũng giảm mạnh.
Chia sẻ với Zing News, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM dự báo, giá xăng trong nước có thể hạ nhiệt đáng kể theo đà giảm của giá dầu thô thế giới.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu không sử dụng đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 1.080 đồng/lít và giá xăng RON 95 giảm 1.190 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel có khả năng giảm 330 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít và dầu mazut giảm 280 đồng/kg. Trái lại, nếu cơ quan quản lý tăng trích lập hoặc giảm chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng sẽ giảm ít hơn.
Hiện tại, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo mức giá từ kỳ điều chỉnh ngày 10/11, là mức cao nhất trong khoảng 7 năm qua.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 23.669 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 24.996 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.716 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.637 đồng/lít; và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.821 đồng/kg.
Giá xăng dầu tăng cao khiến công chúng lo ngại về ảnh hưởng đến nền kinh Việt Nam. Theo ước tính, giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Đây là mức giảm khá lớn, cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phải chịu những tác động rất mạnh của tình trạng giá xăng dầu biến động, TTXVN nhấn mạnh.
Giá dầu thế giới tăng mạnh gây ra khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp trong nước vì giá năng lượng sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng này trở nên đáng lo hơn vì kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá xăng dầu thế giới tăng sẽ khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước tăng theo.
Vì vậy, Việt Nam cần phải có những giải pháp ứng phó linh hoạt để tránh để giá xăng dầu làm ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế và đẩy lạm phát tăng, nhất là trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022.