Giá dầu thô tăng sốc cũng không đủ sức khiến Fed 'động đậy'
Ảnh: Reuters
Theo Reuters, vụ đánh bom nhằm vào nhà máy lọc dầu chính của Arab Saudi vào cuối tuần trước đã châm ngòi cho Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ thêm lãi suất.
Đăng tải trên Twitter hôm 16/9, Tổng thống Trump khuyên Fed nên cắt giảm lãi suất đáng kể và công bố gói kích thích kinh tế tại cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương (NHTW) này vào ngày 18/9.
Fed từng phản ứng trước nhiều cuộc khủng hoảng nhưng chỉ để giải quyết rắc rối trên thị trường tài chính
Tuy nhiên, tiền lệ trong quá khứ và chính sách năng lượng của Mỹ cho thấy Fed chỉ có thể hạ lãi suất xuống 25 điểm cơ bản chứ không thể nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Fed từng phản ứng trước các cuộc khủng hoảng trong quá khứ, tiêu biểu như sự kiện khủng bố tháng 9/2001 và thị trường sụp đổ vào ngày Thứ Sáu Đen hồi những năm 1980. Tuy nhiên, Fed chỉ đang giải quyết rắc rối trên thị trường tài chính để ngăn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Các cuộc khủng hoảng trên có thể khiến hệ thống ngân hàng và công ty tài chính cảnh giác với hoạt động cho vay cũng như làm cho tiền mặt trở nên khan hiếm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhiều tháng sau vụ khủng bố năm 2001, Fed đã hạ lãi suất xuống 1,75 điểm phần trăm và thực hiện các biện pháp khác để đảm bảo hệ thống ngân hàng còn thanh khoản và có thể tiếp tục xử lí yêu cầu rút tiền của khách hàng.
Tác động hoàn chỉnh của vụ tấn công vào nhà máy lọc dầu của Arab Saudi có thể không ngay lập tức thể hiện rõ. Điều này còn phụ thuộc vào khả năng phục hồi sản lượng toàn phần của nhà máy trên cũng như liệu vụ tấn công có dẫn đến tình trạng xung đột nghiêm trọng hơn ở khu vực Trung Đông hay không.
Tuy nhiên, phản ứng của thị trường cho đến nay vẫn chưa rõ nét.
Các chỉ số chứng khoán chỉ giảm khiêm tốn trong phiên giao dịch ngày 17/9, trong đó S&P 500 "mất" gần 1/3 điểm phần trăm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng chỉ sụt nhẹ, còn đồng USD lại đồng loạt tăng giá so với rổ tiền tệ.
Tuy nhiên, không có dấu hiệu căng thăng nào đòi hỏi NHTW Mỹ phải hạ lãi suất để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà đầu tư gần như không thay đổi kì vọng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất xuống 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách ngày 18/9.
Giá dầu thô không đủ mạnh để Fed phải "động đậy"
Khi giá dầu thô tăng vọt gây ảnh hưởng đến Mỹ sau lệnh cấm vận của các nhà xuất khẩu dầu thô Arab Saudi và cuộc cách mạng Iran vào những năm 1970, Fed đã đi ngược lại với đề xuất của ông Trump lúc này.
Vào thời điểm đó, Mỹ phải nhập khẩu dầu thô nên các nhà hoạch định chính sách đã quyết định tăng lãi suất lên mức cao kỉ lục để kiềm chế lạm phát nhưng họ phải trả giá bằng một cuộc suy thoái sâu sắc.
Hiện tại, thái độ của Fed trước tình trạng giá dầu thô tăng sốc đã thay đổi. NHTW Mỹ không còn quá xem trọng giá mặt hàng này.
Với tác động hỗn hợp lên tăng trưởng kinh tế, giá dầu thô không còn có thể gây ảnh hưởng đến lạm phát về lâu dài vì Mỹ đang sản xuất rất nhiều dầu thô.
Nguồn cung dầu thô tăng và lĩnh vực dịch vụ ngày càng chiếm ưu thế ở nền kinh tế Mỹ đã làm suy yếu mối liên kết giữa lạm phát và giá dầu.
Cụ thể, máy móc sản xuất ra cũng sử dụng ít năng lượng hơn và nền kinh tế Mỹ đang xoay vòng quanh các lĩnh vực ít tiêu dùng nhiên liệu, từ mã hóa máy tính đến chăm sóc sức khỏe gia đình.
Bên cạnh đó, mặc dù người tiêu dùng và một số doanh nghiệp có thể chịu tổn thất nếu giá cả tăng, các công ty năng lượng nhiều khả năng sẽ bù đắp cho nền kinh tế thông qua đầu tư mạnh tay vào hoạt động khoan và sản xuất dầu thô cũng như thuê nhiều công nhân mỏ dầu tại Mỹ hơn.