|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Trung Quốc xây tổng kho thương mại điện tử 500 triệu USD sát biên giới Việt Nam

16:11 | 28/02/2025
Chia sẻ
Các kho hàng, trung tâm thương mại điện tử tại khu vực biên giới này có chức năng thu gom sản phẩm trong nước đồng thời phân phối ở nước ngoài.

Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lào Cai cho biết tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã hình thành Khu thí điểm thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc – ASEAN (Hà Khẩu) với diện tích hơn 660.000m2. Khu thí điểm thuộc phân khu Hồng Hà, được đầu tư 3,68 t NDT, tương đương 525 triệu USD, với tổng diện tích sử dụng đất 128 mẫu, diện tích xây dựng 660.000 m2.

Các kho hàng, trung tâm TMĐT tại khu vực biên giới có chức năng thu gom sản phẩm trong nước đồng thời phân phối ở nước ngoài. Cung cấp chức năng giao hàng trực tuyến, livetream bán lẻ… cung cấp dịch vụ khai báo, kiểm tra, khai báo đặt hàng; gửi bưu kiện trong nước đi nước ngoài, tiếp nhận, mở các bưu kiện nước ngoài, trung chuyển các bưu kiện quá cảnh...

Sở Công Thương Lào Cai nhận định, thời gian tới hoạt động sản xuất trong nước sẽ phải cạnh tranh với nguồn hàng tiêu dùng khổng lồ từ Trung Quốc được nhập khẩu thông qua hình thức TMĐT xuyên biên giới. Hệ thống logistics và hoạt động TMĐT xuyên biên giới phía Trung Quốc đang rất phát triển. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng giao thông, logistics của tỉnh phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu còn nhiều hạn chế.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương Lào Cai đề xuất triển khai xây dựng “Khu thí điểm thương mại tự do” hoặc “Khu thí điểm TMĐT qua biên giới” để thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam (Trung Quốc).

Không riêng Trung Quốc, Việt Nam cũng đang xây dựng trung tâm logistics ở biên giới để thuận tiện giao thương, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hồi tháng 2, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) cũng nhận định, lĩnh vực chuyển phát, bưu chính, logistic là lĩnh vực tiềm năng nhưng rất phân mảng, các doanh nghiệp nhỏ làm chuyển phát rất nhiều, cần có doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này.

"Viettel cũng đang được Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ thành lập các trung tâm chuyển phát lớn tại các cửa khẩu biên giới, các cửa khẩu thông minh… Việc này không chỉ giúp Viettel tăng trưởng trong lĩnh vực này mà còn góp phần tăng năng suất sản xuất, lưu thông hàng hoá", ông Thắng nói.

Cuối năm 2024, Viettel đã cho khai trương công viên logistics nằm tại huyện Phù Xá, tỉnh Lạng Sơn, cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 4 km. Với tổng vốn đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, diện tích 143,7 ha, có khả năng xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày, đây là trung tâm logistics lớn nhất tại Việt Nam.

Trung tâm logistics này được trang bị một loạt những dịch vụ xuất nhập khẩu toàn trình bao gồm thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho, vận tải xuyên biên giới. Đại diện Viettel Post, công ty vận hành trung tâm cho biết có kế hoạch mở khu livestream để bán sang những thị trường khác.

Tại buổi lễ khai trương, đại diện Viettel Post cũng cho biết công ty đã có kế hoạch xây thêm nhiều trung tâm ở những cửa khẩu đường bộ, hàng không, đầu mối giao thông, trung tâm giao dịch và phân phối nông sản… Hiện Viettel đã xong thủ tục để đầu tư ra nước ngoài và đang hợp tác với các tập đoàn của Trung Quốc triển khai phương án kinh doanh trong thời gian tới.

Lâm Anh