Gặp khó tại Ấn Độ và Mỹ, các ứng dụng công nghệ Trung Quốc tìm 'cứu cánh' tại Đông Nam Á
Khi nói đến ngành công nghệ, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc dường như đang trở thành ba quốc gia dẫn dầu trong nhiều lĩnh vực. Trong khi có những quốc gia khác ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu cũng tích cực phát triển công nghệ mới, ba quốc gia này dường như “khác biệt” so với phần còn lại, theo Tech Wire Asia.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc đã cạnh tranh với nhau về ưu thế kỹ thuật trong từng lĩnh vực. Dù là điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, xe điện hay chất bán dẫn, mỗi quốc gia đều có kế hoạch tổng thể riêng để đạt được mục tiêu của mình.
Mặc dù Ấn Độ dường như đang tụt lại phía sau so với Trung Quốc và Mỹ, nhưng khả năng của Ấn Độ trong việc phù hợp với sức mạnh sản xuất, khả năng thích ứng và dân số công nghệ ngày càng tăng của Trung Quốc đang khiến quốc gia này nhanh chóng trở thành một “ông lớn” về công nghệ.
Trên thực tế, ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ đang phát triển nhanh chóng, trong khi tham vọng xe điện của nước này hiện đang được thực hiện nghiêm túc với phạm vi trên toàn cầu.
Bất chấp sự cạnh tranh giữa ba quốc gia, vẫn có những lo ngại giữa họ khi sử dụng công nghệ từ Trung Quốc. Cả Mỹ và Ấn Độ tiếp tục hành động chống lại các công nghệ Trung Quốc, với một số ứng dụng và thương hiệu công nghệ thậm chí còn bị cấm.
Chính phủ Ấn Độ đã cấm các ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc kể từ tháng 6/2020. Lệnh cấm này bao gồm các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok, WeChat, Bigo Live cũng như các ứng dụng trò chơi như PUBG.
Viện dẫn những lo ngại về quyền riêng tư, lệnh cấm các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc thậm chí còn làm dấy lên lo ngại rằng điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất, vốn rất phổ biến ở Ấn Độ, cũng phải đối mặt với những tình huống tương tự.
Giờ đây, các cơ quan chức năng của Ấn Độ đã bắt đầu quá trình cấm và chặn 138 ứng dụng cá cược cũng như 94 ứng dụng cho vay có liên kết với Trung Quốc, theo báo cáo của Reuters. Lệnh cấm được đưa ra theo luật công nghệ thông tin của Ấn Độ, cho phép chính phủ chặn quyền truy cập của công chúng vào nội dung vì lợi ích an ninh quốc gia.
Khi nói đến thiết bị di động, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố rằng các công ty điện thoại thông minh Trung Quốc như Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ không bị cấm ở nước này. Chính phủ cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất điện thoại thông minh tăng cường xuất khẩu từ Ấn Độ.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Mỹ. Trong khi Trung Quốc đã cấm Google và một số trang web công nghệ của Mỹ khác ở nước này, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tương tự đối với một số ứng dụng của Trung Quốc.
Ứng dụng TikTok của kỳ lân lớn nhất Trung Quốc ByteDance tiếp tục đối mặt với những thách thức khi hoạt động ở Mỹ. Ứng dụng phổ biến toàn cầu này đã bị cấm sử dụng trên các thiết bị của chính phủ ở một số bang.
Hạ viện Mỹ cũng sẽ bỏ phiếu cho lệnh cấm hoàn toàn ứng dụng này vào tháng 3 năm nay. Do Mỹ là quốc gia có nhiều người dùng ứng dụng TikTok nhất, nên chính quyền vẫn còn phải xem xét liệu lệnh cấm sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người dùng ở quốc gia này.
Khi nói đến phần cứng, Huawei dường như là mục tiêu chính. Trong khi nhiều người chỉ trích hành động của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với công ty công nghệ Trung Quốc, thì Tổng thống Mỹ hiện tại là ông Joe Biden dường như cũng đang tiếp nối điều này.
Hầu hết phần cứng của Huawei đã bị cấm ở Mỹ và cả một số đồng minh của họ, nhưng hiện có báo cáo rằng lệnh cấm hoàn toàn đối với công ty công nghệ này cũng có thể sắp xảy ra.
Tìm kiếm vận may ở Đông Nam Á
Với việc Mỹ và Ấn Độ đang gây khó khăn cho các công ty công nghệ Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á có thể trở thành “cứu cánh” cho những doanh nghiệp này. Khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới đã chứng kiến việc áp dụng công nghệ nhanh chóng, nhờ vào khả năng sử dụng các công nghệ mới với công nghệ kế thừa tối thiểu.
Huawei và Alibaba của Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào Đông Nam Á và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh của họ trong khu vực. Huawei đang xem xét việc cung cấp cơ sở hạ tầng 5G của mình cho cả Đông Nam Á cũng như hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ quanh khu vực.
Công ty mẹ của TikTok, ByteDance cũng đã tăng cường đầu tư vào khu vực. Công ty đã công bố kế hoạch cho các trung tâm dữ liệu mới và cũng đang tìm cách cung cấp nhiều sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng địa phương. Trên thực tế, tổng khối lượng hàng hóa của TikTok ở Đông Nam Á đã đạt mức 4,4 tỷ USD vào năm 2022.
Các khoản đầu tư mà nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang mang đến cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á dường như đang tạo điều kiện cho họ phát triển và duy trì ảnh hưởng trong khu vực.
Mặt khác, các quốc gia như Việt Nam, Lào và Thái Lan lại tiếp tục được hưởng những lợi ích từ các khoản đầu tư mà những doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc rót vào. Đối với Malaysia, Indonesia và Singapore, Trung Quốc vẫn là một đối tác thương mại thiết yếu đối với họ.
Không giống như hầu hết đồng minh của Mỹ, mối quan hệ giữa các quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc vẫn tích cực. Đó là lý do các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc có thể tìm thấy cơ hội tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới trong tương lai gần.