|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành công nghệ Trung Quốc đi tìm lời giải về khả năng phục hồi trong năm 2023

07:20 | 02/01/2023
Chia sẻ
Năm 2022, hàng loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent,... đã chứng kiến giá trị vốn hóa bị thổi bay hàng tỷ USD. Để tránh tình trạng này lặp lại trong năm 2023, CNBC đã đưa ra một số giải pháp mà các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ áp dụng.

Năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent hay nhiều doanh nghiệp khác đã bị thổi bay hàng tỷ USD, theo CNBC.

Dịch bệnh COVID-19 cùng với chính sách phòng dịch nghiêm ngặt đã gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Các công ty internet Trung Quốc đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng chậm lại khi chi tiêu của người tiêu dùng bị ảnh hưởng và dòng tiền quảng cáo bị cắt giảm.

Các nhà đầu tư đang thận trọng đối với cổ phiếu công nghệ Trung Quốc, trong khi đó, các nhà phân tích lại cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn còn chưa chắc chắn và vẫn tồn tại nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể nghĩ đến việc mở cửa lại nền kinh tế đã mang đến cho các nhà đầu tư hy vọng về một sự thay đổi. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước: “Chúng tôi lạc quan về triển vọng lĩnh vực internet năm 2023 nhờ câu chuyện mở cửa trở lại và tâm lý người tiêu dùng được cải thiện”.

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Tencent và Alibaba đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2022. (Ảnh: Asia Nikkei).

Tập trung vào nới lỏng chính sách Zero-COVID

Kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, Trung Quốc đã áp dụng chính sách gọi là Zero-COVID, cố gắng áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm hàng loạt để kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh. Tuy nhiên, chính sách đó đã gây ra áp lực với nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba đã công bố tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm nhất sau nhiều năm vào năm 2022, trong khi các nhà sản xuất xe điện như Xpeng chứng kiến doanh số mờ nhạt do tâm lý người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy chính sách Zero-COVID của Trung Quốc có thể được nới lỏng. Vào ngày 7/12, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp nới lỏng, bao gồm cho phép một số người bị nhiễm bệnh có thể cách ly tại nhà thay vì tại các cơ sở của chính phủ và loại bỏ yêu cầu xét nghiệm đối với khách du lịch.

Cách chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-COVID có thể xác định được mức độ phục hồi của ngành công nghệ Trung Quốc. Xin Sun, giảng viên tại Đại học King's College London, cho biết: “Tôi cho rằng triển vọng phục hồi của ngành công nghệ vào năm tới phụ thuộc chủ yếu vào mức độ mà nền kinh tế vĩ mô và đặc biệt là khả năng chi tiêu của người tiêu dùng có thể phục hồi.

Với mức độ tiêu dùng bị kìm hãm hiện nay, phần lớn là do các hạn chế liên quan tới dịch COVID-19 và sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng, sự phục hồi của ngành công nghệ thực sự có khả năng xảy ra nếu Trung Quốc có thể kiểm soát COVID-19 một cách suôn sẻ và mở cửa lại nền kinh tế.”

Ngành công nghệ Trung Quốc gặp khó vì chính sách Zero-COVID trong năm 2022. (Ảnh: CNBC).

Ngành công nghệ có thể tăng tốc

Các nhà phân tích nhận thấy tốc độ tăng trưởng của các tên tuổi công nghệ Trung Quốc sẽ tăng tốc trở lại vào năm 2023 khi nền kinh tế nước này chuẩn bị mở cửa trở lại, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ không đạt được mức ngang bằng những gì từng diễn ra trong quá khứ, khi doanh thu hàng quý của nhiều công ty tăng từ 30% đến 40%.

Alibaba được dự báo sẽ có doanh thu quý IV tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái, trước khi tăng tốc lên chỉ hơn 6% trong quý I/2023 và 12% trong quý II/2023, theo ước tính từ Refinitiv. Trong khi đó, Tencent dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm chỉ 0,5% trong quý IV, sau đó là 7% trong quý đầu tiên của năm 2023 và 10,5% trong quý thứ hai, theo Refinitiv.

Jefferies tin rằng “mua sắm trực tuyến là một lĩnh vực tốt để các công ty công nghệ đón nhận sự phục hồi trước quảng cáo và giải trí”. Điều đó có thể mang lại lợi ích cho các công ty như gã khổng lồ thương mại điện tử như Alibaba và JD.com.

Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư cho biết họ kỳ vọng ngành quảng cáo trực tuyến sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023, nhưng cảnh báo rằng mức tăng trưởng sẽ “phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh tế vĩ mô”.

Những công ty liên quan tới thương mại điện tử như JD.com có thể phục hồi nhanh hơn trong năm 2023. (Ảnh: AP/Morningstar).

Quy định trở nên dễ đoán hơn

Chính sách Zero-COVID của Trung Quốc là một trở ngại lớn đối với lĩnh vực công nghệ của nước này trong năm nay, nhưng thực tế các nhà đầu tư đã lo sợ kể từ cuối năm 2020, khi Bắc Kinh tăng cường thắt chặt quy định với ngành công nghệ và internet.

Việc thắt chặt quy định đối với ngành công nghệ là một trong những yếu tố lớn khiến những gã khổng lồ công bố tốc độ tăng trưởng chậm hơn và đã cản trở đà tăng trưởng giá cổ phiếu của họ. Kể từ đầu năm 2021, chỉ số công nghệ Hang Seng ở Hong Kong, nơi hầu hết công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang niêm yết, đã giảm hơn 50%.

Trong hai năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra một loạt chính sách, từ các quy tắc chống độc quyền mới đến luật bảo vệ dữ liệu và một luật chưa từng có về việc sử dụng thuật toán của các công ty công nghệ. Các công ty vi phạm các quy tắc chống độc quyền đã bị trừng phạt với số tiền phạt lớn kỷ lục, bao gồm cả Alibaba và công ty giao đồ ăn Meituan

Lĩnh vực game cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vào năm 2021, các cơ quan quản lý đã đóng băng việc phê duyệt phát hành các trò chơi điện tử mới và đưa ra các quy tắc giới hạn thời gian chơi đối với trẻ em dưới 18 tuổi.

Các quy tắc đã khiến nhiều nhà đầu tư hoảng sợ, những người phần lớn không hề hay biết trước việc thắt chặt theo quy định của Trung Quốc đối với lĩnh vực công nghệ của họ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy một số áp lực pháp lý có thể được nới lỏng.

Các cơ quan quản lý đã khởi động lại việc phê duyệt các tựa game trong năm nay, điều này sẽ có lợi cho Tencent và NetEase, hai công ty trò chơi trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc. Chính phủ cũng đã nhiều lần cam kết hỗ trợ lĩnh vực công nghệ trong năm nay.

“Ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong năm nay là tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi đã thấy một số nỗ lực gần đây nhằm nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và giải cứu thị trường bất động sản. Điều đó nói rằng, các quy định có thể được thay đổi”, Linghao Bao, nhà phân tích tại Trivium China, chia sẻ.

Thay đổi mô hình kinh doanh

Từ đa dạng hóa đến bán bớt cổ phần trong các mảng kinh doanh khác, tác động của quy định và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại đang thay đổi cách những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vận hành công ty.

Thứ nhất, các công ty công nghệ Trung Quốc đã cắt giảm chi phí và rút khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi để hướng tới việc tăng lợi nhuận.

Ngoài việc điều hành dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất của Trung Quốc WeChat, Tencent còn là một nhà đầu tư lớn vào các công ty khác. Tuy nhiên, công ty gần đây đã bắt đầu thoái vốn tại một số công ty lớn nhất của Trung Quốc. Khi sự giám sát về lĩnh vực công nghệ tăng lên, Tencent đã bán bớt cổ phần tại một số công ty được đầu tư bao gồm JD.com và Meituan.

Alibaba, công ty có hoạt động kinh doanh bán lẻ tại Trung Quốc chiếm phần lớn doanh thu, đang cố gắng tăng doanh số bán hàng từ các lĩnh vực như điện toán đám mây để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.

Bắc Kinh cũng đã tìm cách tách một số doanh nghiệp có liên kết tài chính với các công ty công nghệ. Ant Group, chi nhánh fintech của Alibaba, đã được ngân hàng trung ương Trung Quốc yêu cầu trở thành công ty nắm giữ tài chính vào năm 2021 sau khi đợt chào bán lần đầu ra công chúng bị hủy bỏ vào tháng 11/2020.

Đầu năm nay, Tencent cho biết họ đang tìm hiểu xem liệu các quy định có yêu cầu WeChat Pay của họ làm điều tương tự hay không bởi dịch vụ thanh toán di động cũng thuộc một công ty cổ phần tài chính riêng biệt.

Rủi ro lớn nhất

Mặc dù một số nhà đầu tư có lý do để lạc quan về ngành công nghệ của Trung Quốc trong năm tới, nhưng họ chắc chắn vẫn mang trong mình tâm thế thận trọng khi theo dõi diễn biến mới của thị trường.

Sự không chắc chắn về tương lai của chính sách Zero-COVID và quỹ đạo của nền kinh tế vào năm 2023 là một trong số những rủi ro lớn nhất. Một số ngân hàng đầu tư đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong vài tháng qua trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm và lĩnh vực bất động sản lao dốc, hai động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế hàng đầu châu Á trong những năm trước.

“Theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất mà các hãng công nghệ phải đối mặt trong năm tới có lẽ vẫn là chính sách Zero-COVID cũng như triển vọng kinh tế yếu kém và không chắc chắc”, giảng viên Xin Sun nói.

Tariq Dennison, nhà quản lý tài sản tại GFM Asset Management có trụ sở tại Hong Kong, nói với CNBC rằng cũng có một số rủi ro khác liên quan tới yếu tố địa chính trị, bao gồm việc các nhà đầu tư Mỹ bị chặn mua cổ phiếu công nghệ Trung Quốc cho các công ty bị quốc hữu hóa.

Tuy nhiên, ông làm rõ rằng những rủi ro này là có nhưng khó xảy ra. “Tôi không nghĩ rằng nhiều kịch bản trong số đó có thể xảy ra”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng rủi ro địa chính trị là “mối đe dọa tập thể lớn nhất”.

Anh Nguyễn