Gạo Việt gia tăng xuất khẩu vào EU
Xuất khẩu gạo sang EU tiếp tục đà tăng trưởng
Bên cạnh các thị trường truyền thống ở châu Á, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường khó tính đòi hỏi tiêu chuẩn cao như EU cũng được đẩy mạnh trong thời gian qua.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đạt 46.839 tấn, trị giá 31,26 triệu USD, tăng 6,8% về lượng nhưng giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, các doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn một nửa trong tổng số hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm mà EU cam kết dành cho Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, một số chuyên gia cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU trong năm 2023 có thể chạm ngưỡng 100.000 tấn, con số cao nhất từ trước đến nay và vượt xa hạn ngạch của Hiệp định EVFTA.
Năm ngoái, các doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu tới 94.510 tấn gạo sang thị trường EU, tăng 48% so với năm 2021 và vượt hơn 14.000 tấn so với hạn ngạch.
Lượng gạo xuất sang EU tuy không lớn (chỉ chiếm chưa đến 2% trong tổng xuất khẩu gạo của cả nước), nhưng đây lại là thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng đối với các loại gạo thơm, gạo hữu cơ có giá trị gia tăng cao của Việt Nam.
Hiện gạo thơm (Jasmine, KDM, ST 24, ST 25…) chiếm hơn 39% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU, tiếp theo là gạo trắng chiếm 26,8%; gạo Nhật chiếm 18,2%; còn là gạo lứt, gạo vi chất và gạo nếp.
Do đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 5 tháng đầu năm nay cũng khá cao so với các thị trường khác, đạt bình quân 667 USD/tấn, cao hơn 26% so với mức giá xuất khẩu chung là 529 USD/tấn của cả nước.
Vào tháng 2 năm nay, lần đầu tiên lô hàng 15 tấn gạo hữu cơ của nông dân tỉnh Quảng Trị được xuất khẩu sang thị trường châu Âu với giá lên đến 1.500 - 1.800 USD/tấn, gấp 2 – 3 lần giá gạo thường.
Về thị trường, Đức hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam tại EU với khối lượng đạt 9.831 tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ và chiếm 21% thị phần. Tiếp theo là Hà Lan với 6.324 tấn, tăng 37,5% và chiếm 13,5% thị phần.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang nhiều thị trường khác trong khối EU tăng trưởng từ ba đến bốn con số như Ba Lan tăng 109,2%, Hugary tăng 571,2%, Bỉ tăng 165%, Tây Ban Nha tăng 307,7%, Bồ Đào Nha tăng 13 lần…
Trong số các thị trường chính, mức giảm đáng kể nhất là Italy khi lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm đến gần 70% so với cùng kỳ, xuống còn 5.638 tấn.
Nhìn chung gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại hầu hết nước thành viên EU nhờ chất lượng ngày càng cải thiện, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam vào thị trường EU trong 5 tháng đầu năm nay gồm Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Chế biến Và Xuất khẩu Lương thực Đồng Xanh, Công ty TNHH Gạo Việt, Công Ty Cổ Phần Lương Thực Bình Minh...
Gạo Việt rộng cửa vào EU
Cơ hội để gạo Việt Nam gia tăng sự hiện diện tại EU đã trở lên rộng mở hơn kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Theo cam kết của EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm, gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, giúp Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 100.000 tấn vào thị trường này mỗi năm.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, gạo cũng là một trong những mặt hàng tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan với tỷ lệ sử dụng C/O gần như 100%.
Ngoài ưu đãi về thuế quan, những năm gần đây, cơ cấu giống lúa sản xuất của nước ta cũng có xu hướng chuyển dịch theo chiều hướng tích cực sang các giống lúa chất lượng cao, các mô hình sản xuất hữu cơ được nhân rộng.
Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của EU đang có xu hướng tăng do nguồn cung lúa gạo tại khu vực đang phải đối mặt với nguy cơ sụt giảm trong năm thứ hai liên tiếp do ảnh hưởng bởi hạn hán.
Theo Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, Italy chiếm 50% trong tổng sản lượng gạo của EU nhưng các vùng trồng lúa chính ở Italy đã không thể phục hồi sau đợt hạn hán năm 2022 và tuyết rơi tích tụ trong Dãy núi Alps của Italy thấp hơn năm trước.
Do đó, sản lượng lúa gạo ở Italy dự báo sẽ giảm, với diện tích gieo trồng giảm xuống còn 211.000 ha, giảm 7.400 ha so với năm 2022 và giảm 16.000 ha so với năm 2021. Đây sẽ là diện tích sản xuất lúa gạo thấp nhất của Italy trong 23 năm qua.
Sản lượng gạo ở Italy giảm cũng có thể dẫn đến việc các thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này là Pháp, Đức và Anh chuyển sang nhập khẩu từ các nhà cung cấp thay thế như Campuchia, Pakistan, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam, theo Reuters.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo của EU trong niên vụ 2022-2023 sẽ giảm mạnh 22,9% so với niên vụ trước xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 với 1,33 triệu tấn. Do đó nhập khẩu gạo của khu vực được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục 2,65 triệu tấn trong năm 2023.
Đồng thời, USDA cho biết vụ mùa của EU sẽ cao hơn vào năm 2024, nhưng mức tiêu thụ dự kiến vẫn sẽ tăng so với năm 2023.
Còn theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU đã nhập khẩu tổng cộng 845.837 tấn gạo từ thị trường ngoại khối, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 8 trong danh sách các thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất vào EU với thị phần chiếm 3,7%.
Nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả. Linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi... và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Mỹ, khu vực Bắc Mỹ…
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu, cập nhật thông tin phục vụ cho kinh doanh, xuất khẩu.
Nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi, đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch.
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Việt Nam thông qua chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính.