|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Gần 128 nghìn tỉ đồng lãi dự thu ở 13 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, lo đến bao giờ

14:48 | 30/05/2019
Chia sẻ
Trong bức tranh tích cực về kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn còn đó những nỗi lo từ xử lí nợ xấu đến thoái lãi dự thu. Đến cuối quí I/2019, có gần 128 nghìn tỉ đồng lãi dự thu tại 13 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất (đã công bố báo cáo tài chính).

Lãi dự thu quí I/2019 của các ngân hàng qua các con số

Bên cạnh những điểm sáng về lợi nhuận, xử lí nợ xấu, lãi dự thu vẫn là một trong những khoản mục đáng quan tâm khi đánh giá hoạt động các ngân hàng.

Theo tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính quí I/2019 của 13 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất (đã công bố báo cáo tài chính), có đến 8 ngân hàng số lãi dự thu tăng so với đầu năm. Tính đến cuối tháng 3, tổng lãi dự thu của nhóm ngân hàng này là gần 128 nghìn tỉ đồng, giảm đi gần 2 nghìn tỉ đồng, tương đương giảm 1,6%.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tiếp tục giữ vị trí quán quân về số lãi dự thu với hơn 47,8 nghìn tỉ đồng; tiếp đó là Sacombank với 22,3 nghìn tỉ đồng.

Tại SCB, tỉ trọng lãi dự thu trên tổng tài sản cao hơn rất nhiều so với tỉ trọng trung bình của các ngân hàng được khảo sát và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm. Mặc dù đã có thời gian dài được tái cơ cấu, tuy nhiên với việc lãi dự thu không giảm mà tiếp tục tăng qua các năm cho thấy việc kết quả việc xử lí tài sản của SCB chưa có nhiều kết quả.

Xét riêng nhóm các ngân hàng TMCP nhà nước chi phối (Vietcombank, BIDV, VietinBank), BIDV tiếp tục có số lãi dự thu lớn nhất với 12,6 nghìn tỉ đồng, tăng 0,7% so với số đầu năm. VietinBank là một trong những điểm sáng trong việc "xử lí" và thanh lọc tài sản, trong một năm trở lại đây ngân hàng đã rất quyết liệt trong việc giảm lãi dự thu trong trong giai đoạn vừa qua khi giảm từ 14,5 nghìn tỉ về chỉ còn 6,9 nghìn tỉ.

Đối với nhóm các ngân hàng TMCP cổ phần, có 5/10 ngân hàng ghi nhận khoản lãi dự thu tiếp tục tăng lên so với đầu năm. Đồng thời khi so sánh số liệu với cùng kì năm truớc, Techcombank, ACB và Sacombank là những ngân hàng khá tích cực trong việc giảm khoản mục lãi dự thu.  

Gần 128 nghìn tỉ đồng lãi dự thu ở 13 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, lo đến bao giờ - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính các ngân hàng

Xử lí nợ xấu và lãi dự thu, thời gian không còn nhiều

Lãi dự thu là tài khoản không thể thiếu trong quá trình hạch toán và thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng. Tuy nhiên, khoản lãi dự thu quá cao và kéo dài lại không phải là điểm tích cực. Kiểm toán nhà nước nhiều lần nhận định đây là khoản thu không chắc chắn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu, cũng như có thể phản ánh không chính xác lợi nhuận của ngân hàng.

Lãi dự thu có thể là nơi "trú ẩn" của các tài sản có chất luợng kém, các khoản nợ khó thu hồi. Do đó, xử lí nợ xấu và thoái lãi dự thu thường được đặt làm mục tiêu chung của một số ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức đang trong quá trình tái cơ cấu.

Ngày 22/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu với mục tiêu từ nay đến năm 2020, các ngân hàng phải đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3%.

Văn bản của NHNN cũng lưu ý đến việc các ngân hàng phải nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo trong việc kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lí nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). 

Văn bản của NHNN yêu cầu các ngân hàng phải thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi.

Có thể thấy quyết tâm rất lớn của nhà điều hành trong việc thực hiện công tác xử lí nợ xấu phải đi vào thực chất.

Mặt khác, Basel II cũng là một trong những động lực để hối thúc các ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng, giảm khoản mục lãi dự thu. Thời gian chính thức áp dụng Basel II không còn nhiều và "bài toán khó" lãi dự thu vẫn đang còn ở phía trước, đó là thách thức của các ngân hàng.

VietinBank là một ví dụ điển hình trong việc thực hiện tiến độ Basel II khi xử lí triệt để khối lượng lớn lãi dự thu thời gian qua. 

Với những quyết tâm trong việc xử lí nợ xấu, bao gồm chủ động phân loại lại nợ và hạ nợ ở một số nhóm khách hàng có thể khiến tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng trên gia tăng. Trong một số trường hợp, thoái lãi dự thu đồng nghĩa với việc phải xử lí dứt điểm các khoản nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC, đồng thời giảm lợi nhuận. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực trạng để có giải pháp xử lí ở mỗi ngân hàng là điều cần thiết.

Đỗ Thanh Tùng