|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Soi lãi dự thu, nguồn 'lãi ảo' của các ngân hàng

07:00 | 17/09/2018
Chia sẻ
Khoản mục lãi dự thu của ngân hàng là một khoản mục khá quan trọng nhưng nhiều khi lại không thường xuyên được để ý đến. Khoản lãi này được là nguồn thu lãi trong tương lai của ngân hàng và được nhiều chuyên gia nhận định cũng là nguồn ghi nhận "lãi ảo" trong báo cáo tài chính.
soi lai du thu nguon lai ao cua cac ngan hang Ngân hàng tìm lại thời hoàng kim
soi lai du thu nguon lai ao cua cac ngan hang Lãi dự thu: Cần thay đổi từ gốc
soi lai du thu nguon lai ao cua cac ngan hang

Lãi dự thu không ngừng tăng

Theo thống kê từ báo cáo tài chính bán niên 2018 của hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần, tổng số lãi dự thu tính đến thời điểm 30/6 là 147.422 tỷ đồng, gấp gần 3 lần con số của năm 2015 (50.540 tỷ đồng) và tăng 4,4% so với cuối năm 2017.

4 ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất là SCB, Sacombank và hai "ông lớn" VietinBank và BIDV. Trong đó, SCB là ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất 44.788 tỷ đồng, tăng 7,5% trong 6 tháng đầu năm. Sacombank đứng vị trí thứ hai với 23.791 tỷ đồng, giảm gần 4% so với cuối năm 2017.

6 tháng đầu năm, lãi dự thu của nhiều ngân hàng tăng trưởng khá mạnh. Nhóm ngân hàng tăng nhiều nhất là LienVietPostBank (29,1%); BIDV (21,8%); Techcombank (20,5%); VietBank (20%) và SHB (19,8%).

Ngược lại, có 9/23 ngân hàng khảo sát lại có xu hướng giảm lãi dự thu. Giảm nhiều nhất là các ngân hàng như ACB (giảm 33,7%); Việt Á (giảm 20,9%). Các ngân hàng còn lại có mức giảm thấp hơn và đều dưới 10%.

Có thể nhận thấy, tỷ trọng lãi dự thu trên tổng tài sản ngân hàng dao động trong khoảng tử 0,6 - 9,4%. Ngân hàng có tỷ trọng này cao nhất là SCB và thấp nhất là Eximbank.

Cùng với đó, tỷ lệ lãi dự thu trên thu nhập lãi thuần các ngân hàng dao động từ 0,3 - 26,9 lần, trong đó có 10/23 ngân hàng có tỷ lệ này dưới 1. Điều đó có nghĩa là chỉ có khoảng 10 ngân hàng có lãi dự thu thấp hơn thu nhập từ lãi thuần. Tuy nhiên, có thể nhận ra những thay đổi lãi dự thu có thể làm thay đổi đến thu nhập lãi thuần, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng đó.

soi lai du thu nguon lai ao cua cac ngan hang
Tổng hợp lãi dự thu của các ngân hàng tại 30/6/2018 (Nguồn: DB tổng hơp)

Lãi ước tính không phải là lãi thực

Việc dự thu hay dự chi về bản chất đều không sai nhưng trong một số trường hợp, do việc đánh giá chủ quan về khả năng thu hồi lãi mà các khoản lãi dự thu này sẽ được ghi nhận vào doanh thu. Hay nói một cách khác, sẽ có nhiều trường hợp đã ghi nhận doanh thu lãi nhưng lại không thể thu được.

Lãi dự thu là khoản lãi dự tính thu được (theo kỳ) trên khoản vay của khách hàng khi ký hợp đồng tín dụng. Theo thỏa thuận trên hợp đồng thì hàng kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi "dự thu" và thu được khi khách hàng "thực trả".

Theo nguyên tắc thận trong thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1, nhóm được đánh giá có rủi ro thu hồi nợ thấp nhất.

Kiểm toán Nhà nước cũng từng nhận định nhiều ngân hàng sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn là lãi dự thu của các khoản nợ đã được cơ cấu lại.

Như vậy, việc ghi nhận lãi ảo từ lãi dự thu có thể dẫn đến các hệ luỵ liên quan đến việc chia cổ tức và nộp thuế cho Nhà nước. Và nếu như khoản dự thu này thực sự không thu được sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình tài chính của ngân hàng.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra đề xuất Bộ Tài chính và NHNN thực hiện đánh giá, xem xét lại thực trạng của việc ghi nhận lãi dự thu hiện nay. Đồng thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo phản ánh đúng thực tế thu nhập thực sự của ngân hàng.

Lãi dự thu của các ngân hàng tái cơ cấu

Lượng lãi dự thu của SCB và Sacombank lớn bởi đây là hai ngân hàng đã và đang trong quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập với khối lượng nợ xấu khổng lồ. Một số ý kiến cho rằng việc cho vay các dự án dở dang khiến số lãi dự thu của SCB khá lớn.

Còn theo đề án tái cơ cấu của Sacombank, NHNN cho phép ngân hàng khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính đến ngày 31/12/2015, phân bổ dần số lãi và phí dự thu này vào chi phí hoạt động kinh doanh trong thời hạn tối đa 10 năm.

Eximbank từng được xem là ngân hàng điển hình của việc ghi nhận lãi dự thu ảnh hưởng đến lợi nhuận. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng là 2.378 tỷ đồng và sang năm 2011, lợi nhuận nhảy vọt lên 4.056 tỷ đồng, lãi dự thu của Eximbank cũng tăng đột biến từ 1.349 tỷ lên 2.493 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm nhanh chóng các năm sau đó với lý do chi phí dự phòng rủi ro tăng đột biến, đến năm 2014 và 2015 lợi nhuận chỉ đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Thực tế từ các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu cho thấy, nếu lãi dự thu quá cao, ngân hàng hoạt động không ổn định cũng dự báo nhiều khả năng phải tái cơ cấu lại.

Xem thêm

Diệp Bình