Hàng chục nghìn tỷ đồng lãi dự thu - Nhân tố tiềm ẩn nợ xấu
Lãi dự thu - Một nhân tố tiềm ẩn của nợ xấu (Ảnh minh hoạ) |
Lãi dự thu là gì?
Lãi dự thu là khoản lãi dự tính thu được (theo kỳ) trên khoản vay của khách hàng. Khi khách hàng ký hợp đồng tín dụng, kể từ thời điểm giải ngân, ngân hàng bắt đầu tính lãi; theo thỏa thuận trên hợp đồng thì định kỳ ngân hàng đều hạch toán khoản lãi "dự thu" và sẽ thu được khi khách hàng "thực trả".
Dựa trên nguyên tắc thận trong thì ngân hàng chỉ tính lãi dự thu cho nợ nhóm 1. Bởi các khoản nợ khi bắt đầu chuyển sang nhóm 2 trở đi sẽ xuất hiện rủi ro về khả năng thu hồi. Do đó, ngân hàng phải ngưng dự thu lãi nếu nợ đó quá hạn 10 ngày hay bắt đầu chuyển sang nợ nhóm 2.
Về lý thuyết, chi phí diễn ra ở kỳ kế toán nào thì phải hạch toán vào kỳ kế toán đó nên bản chất việc có các khoản lãi dự thu và dự chi đều không sai. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là một số ngân hàng đang quá lạc quan ghi nhận các khoản lãi dự thu với con số không hề nhỏ. Điều này dẫn đến nhiều tác động xấu khi không thể thu về các khoản lãi dự thu.
Lãi dự thu của 10 ngân hàng lên đến 97 nghìn tỷ đồng
Trong báo cáo trình Chính phủ mới đây, Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định rằng nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đang tạo ra và sử dụng lợi nhuận từ doanh thu không chắc chắn từ lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại.
Báo cáo cũng cho biết tổng lãi dự thu của các khoản nợ được cơ cấu lại năm 2015 của toàn hệ thống là 50.540 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank 6.684 tỷ đồng, PVcomBank 4.990 tỷ đồng, VietinBank 4.280 tỷ đồng, BIDV 1.263 tỷ đồng, Agribank 1.272 tỷ đồng.
Lãi dự thu tại hầu hết các ngân hàng đều tăng mạnh trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Một số ngân hàng giấu nợ bằng cách giữ nguyên các khoản nợ xấu ở nhóm 1 và tiếp tục ghi nhận lãi dự thu đối với những khoản này. Từ cuối năm 2013, khi quá trình tái cơ cấu toàn hệ thống ngân hàng bắt đầu cùng với việc phân loại nợ được thực hiện chặt chẽ hơn, tỷ lệ này đã bắt đầu giảm.
Bảng tổng hợp (Nguồn: BVSC) |
Theo tổng hợp từ các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ lãi và phí dự thu trên tổng cho vay khách hàng của các ngân hàng khảo sát hầu hết đều có xu hướng giảm so với năm trước. Tổng lãi, phí dự thu của 10 ngân hàng khảo sát lên đến hơn 113 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ này ở các ngân hàng như ACB, MBB, Vietcombank, BIDV đều trở về dưới 2%. Trong khi các ngân hàng như Techcombank là 2,83%; VietinBank là 2,15%; SHB là 4,86%. SCB và Sacombank có tỷ lệ này cao nhất trong các ngân hàng khảo sát với tương ứng là 16,52% và 12,74%.
Ảnh: Diệp Bình tổng hợp |
Năm 2016, số lãi dự thu của Sacombank ở mức 25.336 tỷ đồng; trong đó, khoảng 21.352 tỷ đồng đã được NHNN phê chuẩn cho phép khoanh lại và phân bổ dần trong vòng tối đa 10 năm.
Xét trong 3 ngân hàng cổ phần nhà nước, VietinBank là ngân hàng có con số lãi dự thu cao nhất với 14.208 tỷ đồng. Kế đến là BIDV 9.229 tỷ đồng và Vietcombank 5.786 tỷ đồng.
Hệ lụy ra sao từ lãi dự thu?
Lãi dự thu được hiểu là dòng tiền không có thật nhưng vẫn được ghi nhận vào thu nhập của ngân hàng. Khi đó, lợi nhuận từ các khoản này ngân hàng chưa được thu về nhưng vẫn phải thực hiện nộp thuế cho phần thu nhập đó và được sử dụng để chia cổ tức.
Điều này dẫn đến việc khi rủi ro xảy ra, các khoản lãi dự thu không thể thu hồi, toàn bộ những kế hoạch đã thực hiện trước có thể phải thay đổi. Đây là một việc được đánh giá là nhạy cảm và khá khó khăn trong quá trình xử lý. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến hoạt động cho nhiều năm về sau.
Trên thực tế, những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu cho thấy nếu lãi dự thu quá cao, ngân hàng hoạt động không ổn định dẫn đến nguy cơ rơi vào vòng xoáy tái cơ cấu.
Sacombank là một ví dụ điển hình khi từ một ngân hàng được xếp vào hàng đầu của nhóm cổ phần ngoài quốc doanh, sau khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam trở nên điêu đứng với khối tài sản khổng lồ không sinh lời. Còn SCB, hơn 5 năm thực hiện tái cơ cấu sau hợp nhất vẫn loay hoay với hơn 17 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Cả hai ngân hàng đều gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và xử lý lãi dự thu ăn mòn lợi nhuận. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của SCB chỉ ở mức gần 79 tỷ đồng, Sacombank cũng không khá hơn với vỏn vẹn 89 tỷ đồng, trong khi xét về quy mô tổng tài sản thì hai ngân hàng nằm trong top đầu hệ thống.
Đề án tái cơ cấu Sacombank: Hơn 21 nghìn tỷ đồng lãi dự thu phân bổ trong 10 năm
Khoanh lãi dự thu và phân bổ dần, chưa trích lập dự phòng một số khoản nợ có vấn đề, thay đổi lộ trình trích ... |
Nợ được cơ cấu lại năm 2015 dự thu lãi hơn 50.500 tỷ đồng
Tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của NHNN chưa phản ánh đúng thực chất tình hình nợ xấu. Một số TCTD bị kiểm soát ... |
Lãi dự thu: Cần thay đổi từ gốc
Báo Đầu tư Chứng khoán từng đăng bài viết “Nhiều ngân hàng lãi ảo do khoản dự thu” phản ánh câu chuyện lãi dự thu ... |
Lợi nhuận ngân hàng, bao nhiêu phần trăm là ảo?
Một nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của hệ thống ngân hàng hiện nay đó là tồn tại các khoản lãi dự thu tương đối ... |