Đề án tái cơ cấu Sacombank: Hơn 21 nghìn tỷ đồng lãi dự thu phân bổ trong 10 năm
Sacombank: Hơn 21 nghìn tỷ lãi dự thu sẽ được phân bổ dần trong 10 năm (Ảnh minh hoạ) |
Ngày 22/5 vừa qua, đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt với thời gian thực hiện là đến hết năm 2025. Một số nội dung cơ bản đã được phê duyệt cụ thể như sau:
Thứ nhất, theo Đề án tái cơ cấu do Sacombank xây dựng, NHNN cho phép Sacombank khoanh số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính của ngân hàng đến ngày 31/12/2015, phân bổ dần số lãi và phí dự thu này vào chi phí hoạt động kinh doanh theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 10 năm.
Cụ thể, các khoản lãi dự thu được NHNN cho phép khoanh lại và phân bổ dần tính đến cuối năm 2016 gồm khoản lãi dự thu cho vay khách hàng 20.387 tỷ đồng; lãi dự thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán 912,5 tỷ đồng; lãi dự thu từ trái phiếu tiếp nhận từ Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank); dự thu liên quan đến khoản uỷ thác đầu tư vào một công ty tiếp nhận từ Southern Bank là 51,6 tỷ đồng. Tổng các khoản lãi dự thu của Sacombank lên đến 21.352 tỷ đồng.
Thứ hai, Sacombank được phép thực hiện giải pháp trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro tín dụng theo năng lực tài chính theo Đề án tái cơ cấu do Sacombank xây dựng.
Trong đó, 18.519 tỷ đồng nợ đủ tiêu chuẩn của Sacombank có khoảng 8.380 tỷ đồng là nợ được phân bổ theo đề án, chưa trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí trích lập dự phòng đã trích lập trong năm 2015 là 2.256 tỷ đồng, trong năm 2016 giảm xuống còn 696 tỷ đồng.
Thứ ba, Sacombank thực hiện việc trích lập dự phòng đối với trái phiếu VAMC theo năng lực tài chính trong thời hạn trái phiếu VAMC. Dự phòng trái phiếu VAMC đã trích lập trong năm 2016 theo đề án thực hiện chỉ 271 tỷ đồng, trong khi năm 2015 là 1.170 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, giá trị trái phiếu do VAMC hiện Sacombank nắm giữ là 37.301 tỷ đồng. Trong năm 2016, Sacombank đã bán cho VAMC 23.680 tỷ đồng nợ xấu và xử lý dự phòng rủi ro là 209 tỷ đồng. Con số này của năm 2015 là 7.619 tỷ đồng và 1.914 tỷ đồng do sáp nhập từ Southern Bank.
Thứ tư, đối với các tài sản tồn đọng, NHNN yêu cầu Sacombank xây dựng các biện pháp và lộ trình xử lý cụ thể, đảm bảo sớm xử lý dứt điểm các tài sản đã nhận cấn trừ nợ nhằm thu hồi vốn cho ngân hàng.
Đồng thời, cho phép Sacombank được bán nợ và các tài sản tồn đọng cho các tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Trường hợp giá bán nợ thấp hơn dư nợ gốc thì phần chênh lệch sẽ được phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ thời điểm bán.
Các khoản phải thu bên ngoài đang xử lý tiếp nhận từ Southern Bank bao gồm 6.707 tỷ đồng các tài sản cấn trừ nợ; 3.579 tỷ đồng các khoản phải thu liên quan đến các hợp đồng mua bán chứng khoán; 681 tỷ đồng phải thu liên quan đến hoạt động mua bán vàng với Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC).
Ngoài ra, còn có các khoản phải thu liên qua đến việc bán trả chậm các chứng khoán đã được khách hàng đặt cọc, bán một phần trụ sở chính của Southern Bank và tạm ứng để đầu tư vào Vàng bạc đá quý Phương Nam.
Về các tài sản khác, hiện Sacombank đang nắm giữ 1.437 tỷ đồng tài sản nhận cấn trừ nợ trong đó có 680 tỷ đồng liên quan đến cổ phiếu của một công ty được ngân hàng mua lại nợ từ VAMC. Sau khi nhận cấn trừ vào ngày 28/12/2016, ngân hàng đã ký hợp đồng bán toàn bộ cổ phiếu cho đối tác khác vào ngày 12/5/2017 và đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.
Thứ năm, đối với các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần vượt 11% vốn điều lệ của công ty được góp vốn và sở hữu chéo, NHNN chấp thuận lộ trình xử lý theo đề án do Sacombank xây dựng.
Về các khoản đầu tư dài hạn, Sacombank phải tiếp nhận khoản đầu tư 439 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh BCCI) từ Southern Bank (tỷ lệ sở hữu là 13%). Thêm vào đó là khoản đầu tư 440 tỷ đồng vào Vàng bạc đá quý Phương Nam (tỷ lệ sở hữu là 9,38%). Tuy nhiên, do Sacombank đang tạm ứng cho một cá nhân đầu tư vào công ty này với tỷ lệ 8,31% nên khiến cho tỷ lệ sở hữu vượt mức quy định.
Hiện Sacombank đã trích lập đầu tư đẩy đủ các khoản đầu tư này và sẽ điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 11% theo đúng quy định của NHNN.
Ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ không ngồi 'ghế nóng' Sacombank?
Ngay sau khi Sacombank dời ngày đại hội thường niên sang cuối tháng 6, nhiều lời đồn đoán cho rằng ông Nguyễn Đức Hưởng sẽ ... |
Sacombank bất ngờ hủy cuộc họp ĐHCĐ thường niên vào ngày 26/5
Lý do công tác chuẩn bị nhân sự HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2021 và một số tài liệu Đại hội ... |
Sacombank khát thời gian
Sau khi lùi lịch họp từ 28/4 sang 26/5, đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2015-2016 của Ngân hàng Sài Gòn ... |
Bức tranh nợ xấu ngân hàng quý I/2017
Thống kê từ khoảng 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,9% so với con số 1,87% ... |