|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Bức tranh nợ xấu ngân hàng quý I/2017

07:30 | 02/05/2017
Chia sẻ
Thống kê từ khoảng 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,9% so với con số 1,87% cuối năm 2016.
 

Tổng số nợ xấu tăng thêm 6%, lên 50.695 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 1 và 2 với lần lượt là 13% và 18%, lên 15.749 tỷ đồng và 7.940 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm áp đảo với 27.005 tỷ đồng.

no xau co xu huong tang cao trong quy i
Tổng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) của 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017. (Biểu đồ: Tiến Vũ tổng hợp).
no xau co xu huong tang cao trong quy i
Cơ cấu nợ xấu của 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017. (Biểu đồ: Tiến Vũ tổng hợp).

Thống kê cũng cho thấy có khoảng 4/6 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm trong quý I/2017 là Sacombank, VIB, Vietcombank và Kienlongbank. Tuy giảm nhưng tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vẫn trên ngưỡng cho phép khi ở mức 4,89% và cao nhất trong danh sách thống kê.

Tổng nợ xấu của ngân hàng này tính đến hết tháng 3/2017 cao kỷ lục với hơn 10.083 tỷ đồng, đó là chưa kể đến 37.760 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC. Như vậy tổng nợ xấu của Sacombank gồm nợ bán cho VAMC ước tính khoảng 47.843 tỷ đồng. Điểm tích cực là nợ có khả năng mất vốn của Sacombank giảm khoảng 7%, còn 6.600 tỷ đồng.

no xau co xu huong tang cao trong quy i
Tỷ lệ nợ xấu của 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017. (Biểu đồ: Tiến Vũ tổng hợp).

Kế đến là Eximbank, trong kỳ tỷ lệ nợ xấu tăng và chạm ngưỡng 3%, tương đương con số tuyệt đối là 2.589 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn chiếm 1.262 tỷ đồng, tăng đến 11%.

BIDV là “ông lớn” duy nhất nằm trong top 3 có tỷ lệ nợ xấu cao với 2,14%, tăng đáng kể so với con số 1,99% vào cuối 2016. Tổng nợ xấu của ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm 2017 đã tăng thêm 13%, lên mức 16.250 tỷ đồng. Đây có thể được xem là ngân hàng thương mại cổ phần có tổng nợ xấu cao nhất.

no xau co xu huong tang cao trong quy i
Nợ có khả năng mất vốn của 10 ngân hàng tính đến 31/3/2017. (Biểu đồ: Tiến Vũ tổng hợp).

Tỷ lệ nợ xấu đứng thứ 4 trong danh sách là VIB với 1,96%, con số này giảm đáng kể so với mức 2,58% vào 2016. Tổng nợ xấu của VIB đã giảm nhiều nhất với gần 20% trong 3 tháng đầu năm 2017, còn 1.247 tỷ đồng; trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm gần 13%, còn khoảng 1.167 tỷ đồng.

Ngược lại, trong kỳ Techcombank có tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1.58% lên 1.89%. Tổng nợ xấu tăng gần 16%, lên hơn 2.600 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn chiếm đến 1.506 tỷ đồng, tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2016.

Một ngân hàng đáng chú ý khác là MBB, tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/3/2017 là 1,35%, tăng so với cuối 2016. Cơ cấu nợ xấu cho thấy nợ có khả năng mất vốn tăng vọt gần 40%, lên 854 tỷ đồng. Nợ nhóm 2 cũng tăng lên gấp rưỡi với 730 tỷ đồng; ngược lại thì nợ nhóm 1 giảm hơn một nửa, còn 435 tỷ đồng.

Tương tự như BIDV, trong quý I, nợ xấu của VietinBank có mức tăng cao nhất với 17%, lên 7.917 tỷ đồng. Điều này chủ yếu từ việc gia tăng nợ nhóm 1 hơn 70%, lên 3.606 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 9%, còn 3.487 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính không cho thấy nợ xấu VietinBank “gửi” VAMC là bao nhiêu, tuy nhiên ngân hàng này đang có kế hoạch mua lại nợ từ VAMC trong năm nay. Tính đến cuối tháng 3, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã tăng từ 1,02% (cuối 2016) lên 1,13%.

Đối với Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tính đến hết quý I/2017 thấp nhất trong ba “ông lớn” với 1,48%, giảm so với con số 1,51% vào cuối 2016. Tổng nợ xấu là 7.377 tỷ đồng, tăng hơn 6%; trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 3% lên 4.369 tỷ đồng. Đáng chú ý là nợ nhóm 2 tăng hơn 40%, lên 1.885 tỷ đồng.

Kienlongbank và BacABank là hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1%, lần lượt là 0,96% và 0,82%. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu cũng như nợ có khả năng mất vốn trong kỳ thay đổi không đáng kể. Kienlongbank có khoảng 145 tỷ đồng đồng nợ có khả năng mất vốn, BacABank là 384 tỷ đồng.

Tiến Vũ