Hơn 190.000 tỷ đồng lãi dự thu trên báo cáo tài chính của các ngân hàng
Lãi dự thu là một trong những vấn đề nhức nhối của nhiều ngân hàng khi số dư khoản mục này ngày càng tăng cao theo thời gian.
Theo số liệu thống kê từ 29 ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, tổng lãi dự thu của các ngân hàng đạt gần 194.000 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2020 và gấp 2,2 lần tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng.
Với nhóm "ông lớn" ngân hàng quốc doanh, BIDV và Agribank đều ghi nhận số dư lãi dự thu rất cao (trên 11.000 tỷ đồng), gần gấp đôi so với hai ngân hàng còn lại là Vietcombank và VietinBank.
Có tới 18 trong số 29 ngân hàng khảo sát tăng sau nửa đầu năm, một số ngân hàng ghi nhận lãi dự thu tăng trưởng mạnh như SHB tăng gần 40%, Saigonbank tăng 26,4%, ABBank tăng 26%, VietinBank tăng 24,3%...
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là 11 ngân hàng có lãi dự thu giảm so với cuối năm trước. Giảm mạnh nhất là Kienlongbank với số lãi dự thu của ngân hàng từ 1.066 tỷ đồng xuống còn 636 tỷ đồng, tương ứng giảm 40,3%. Tiếp theo đó là PG Bank (giảm 28,7%), ACB (giảm 25,2%),...
Đáng chú ý, tại hai ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất là SCB và Sacombank đang có tín hiệu tích cực khi con số này đều giảm so với đầu năm. Trong quá trình tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng này phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trong khoảng 5 - 10 năm.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao, điều này có thể khiến lợi nhuận chưa được phản ánh chính xác. Đồng thời làm tăng rủi ro tiềm ẩn nếu các ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm giảm lợi nhuận.
Khảo sát của Yuanta cho thấy các ngân hàng được đánh giá cao về chất lượng tài sản như Vietcombank, ACB hay MB đều có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản ở mức thấp hơn 1%.