|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lãi dự thu của ngân hàng tăng dần, gây rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống

11:30 | 16/05/2024
Chia sẻ
Lãi dự thu của ngân hàng đang tăng dần theo thời gian và tiếp tục đi lên trong quý I/2024, tạo rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống, có nguy cơ làm giảm thu nhập lãi trong tương lai và tạo áp lực dự phòng khi chuyển nợ xấu.

Nợ xấu gia tăng, áp lực dự phòng lớn, lãi dự thu đi lên,... là loạt rủi ro tiềm ẩn với hệ thống ngân hàng được Chứng khoán ACB (ACBS) cảnh báo trong báo cáo phân tích mới đây.

ACBS cho biết trong quý I/2024, thu nhập lãi thuần đã đi ngang so với quý liền trước. Trong khi đó, các khoản thu nhập ngoài lãi sẽ không còn nhiều dư địa tăng trưởng. 

Ngoài ra, lãi dự thu của ngân hàng đang tăng dần theo thời gian và tiếp tục đi lên trong quý I/2024 bất chấp lãi suất cho vay giảm. Theo tổng hợp của ACBS, số ngày lãi phải thu tăng từ mức 86 ngày ở giai đoạn quý II/2022 lên 116 ngày vào cuối quý I/2024.

Dữ liệu từ WiChart cho thấy tổng số lãi, phí phải thu của các ngân hàng niêm yết vào cuối quý I/2024 ở mức 156.400 tỷ đồng, tăng hơn 10.000 tỷ đồng hay 6,8% so với cuối năm 2023. Nếu so với thời điểm quý II/2022, lãi, phí phải thu đã tăng 55,2% hay hơn 55.600 tỷ đồng.

Lãi dự thu/tổng tài sản sinh lãi đã cao hơn đáng kể so với quý II/2022. 

Các chuyên viên phân tích đánh giá đây là rủi ro tiềm ẩn của hệ thống, có nguy cơ làm giảm thu nhập lãi trong tương lai khi ngân hàng không thu được tiền và phải thoái lãi dự thu. Đồng thời, diễn biến này cũng gây áp lực dự phòng khi chuyển nhóm nợ xấu. 

Về chất lượng tài sản, thống kê của ACBS cho thấy nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5), nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có xu hướng đi lên trong quý I/2024. Xét tổng thể thì tỷ lệ này đang thấp hơn giai đoạn quý II, quý III/2020, khi dịch bệnh COVID vẫn đang lây lan.

Nhưng xét riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu, nợ nhóm 2 đang tăng lên đáng kể. ACBS nhận định rằng diễn biến này cho thấy một lớp nợ xấu mới đang có dấu hiệu hình thành. 

Bên cạnh đó, trong giai đoạn quý II/2020 đến quý II/2021 và quý III/2021 đến quý I/2023, nợ tái cơ cấu đều giảm dần. Tuy nhiên, từ quý II/2023 đến nay, nhóm nợ này đang có xu hướng đi lên, ACBS cảnh báo. Đồng thời, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục giảm sau khi tăng nhẹ vào cuối năm ngoái, cho thấy áp lực dự phòng vẫn còn khá lớn trong tương lai. 

ACBS cảnh báo một lớp nợ xấu mới đang hình thành. 

Trong quý đầu năm, tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết đã tăng 1,9% so với đầu năm và 14,7% so với cùng kỳ năm trước, số liệu của ACBS cho biết. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích chỉ ra rằng mức độ tăng trưởng rất khác nhau ở từng ngân hàng và là điều hiếm khi xảy ra trong giai đoạn trước đây.

Tăng trưởng tập trung chủ yếu vào khối khách hàng doanh nghiệp lớn, trong khi tăng trưởng cho vay khách hàng cá nhân vẫn thấp. Các ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp lớn hoặc tập trung nhiều vào phân khúc BĐS báo cáo tăng trưởng tín dụng cao hơn những ngân hàng bán lẻ. 

Trong khi đó, biên lãi thuần (NIM), yếu tố vốn được kỳ vọng sẽ cải thiện so với quý IV nhờ nền lãi suất thấp ổn định, lại tiếp tục giảm xuống còn 3,67%. Nguyên nhân chính là do lãi suất cho vay tụt nhanh hơn lãi suất huy động. ACBS đánh giá trong bối lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong thời gian tới và nhu cầu tín dụng vẫn chưa đủ mạnh, NIM của các ngân hàng sẽ khó cải thiện.

NIM ngân hàng được kỳ vọng sẽ khó cải thiện trong tương lai khi lãi suất đầu vào tăng lên và tín dụng vẫn yếu.

ACBS đã hạ triển vọng ngắn hạn của ngành ngân hàng từ tích cực xuống còn trung tính với hai lý do chính là kết quả kinh doanh quý I/2024 cho thấy triển vọng lợi nhuận trong tương lai vẫn khó, nhất và khi lãi suất có thể đi lên trong quý tiếp theo và bức tranh lợi nhuận, rủi ro của toàn ngành có sự phân hóa mạnh hơn. 

Minh Quang