Khối lãi dự thu khổng lồ tại 28 ngân hàng biến động ra sao sau 3 tháng đầu năm?
Cùng với sự tăng trưởng mạnh của lợi nhuận, một chỉ tiêu khác cũng "âm thầm" tăng trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng, đó là "lãi, phí dự thu" hay gọi tắt là lãi dự thu.
Theo số liệu thống kê từ 28 ngân hàng, kết thúc quý I/2021, tổng lãi dự thu của các ngân hàng ghi nhận ở mức hơn 185.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2020 và gấp 4,4 lần tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng.
Đáng lưu ý, nhóm ba ngân hàng có lãi dự thu lớn nhất là SCB, Sacombank, BIDV lại có tín hiệu tích cực khi con số này đều giảm so với đầu năm.
Trong số 28 ngân hàng khảo sát, có 11 tổ chức có lãi dự thu giảm so với cuối năm trước. Giảm mạnh nhất là Kienlongbank với số lãi dự thu của ngân hàng từ 1.066 tỷ đồng xuống còn 587 tỷ đồng, tương ứng giảm 44,5%. Tiếp theo đó là VietABank (giảm 21,9%), PG Bank (Giảm 20,7%).
Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng khác lại ghi nhận lãi dự thu tăng trưởng hai chữ số như SHB (29,3%), SeABank (26,5%), Nam A Bank (24,8%), NCB (20,8%),..
Tăng trưởng lãi dự thu đi cùng với tăng trưởng tín dụng là một trong những biến chuyển bình thường, tuy nhiên khi cho vay tăng nhưng lãi dự thu lại giảm cho thấy sự nỗ lực của ngân hàng trong quá trình kiểm soát chất lượng tăng trưởng và xử lý các khoản phải thu có vấn đề đang cho kết quả tích cực.
Biến động số dư lãi dự thu các ngân hàng cuối quý I/2021
Lãi dự thu là các khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ có những rủi ro khi lãi dự thu mãi không thể thu hồi có thể do nợ xấu, bên phải trả mất khả năng thanh toán.
Điều đó khiến lãi dự thu được đánh giá là một nguồn "lãi ảo" cho các ngân hàng. Và khi con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao.
Trong bối cánh nợ xấu tiềm ẩn của các ngân hàng có xu hướng tăng khi Thông tư 01 của NHNN cho phép các tổ chức tín dụng tái cấu trúc lại nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ, việc hạch toán lãi dự thu cũng là một vấn đề được chú trọng.
Thông tư 03 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), NHNN đã quy định rõ đối với nhóm nợ đã cơ cấu lại nhưng vẫn xếp là nhóm 1 thì từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không hạch toán thu nhập mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; chỉ thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.
Quy định này phần nào hạn chế bớt rủi ro tiềm ẩn khi mà lợi nhuận của ngân hàng có thể bị "thổi phồng" bởi những nguồn lãi ảo và không được phản ánh đầy đủ trên báo cáo tài chính.
Một điều dễ nhận thấy, nhóm ngân hàng có lãi dự thu cao phần lớn là những tổ chức đang trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu và được NHNN cho phép phân bổ dần số lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trong khoảng 5 - 10 năm.
Sacombank, ngân hàng có hơn 16.000 tỷ đồng lãi dự thu và đang trong quá trình tái cơ cấu, đã có kết quả khả quan trong việc xử lý nợ và các khoản tồn đọng.
Ngân hàng cho biết tính đến hết tháng 3/2021 đã thu hồi xử lý được gần 9.900 tỷ đồng từ các khoản lãi dự thu được khoanh theo Đề án. Đối với khoản lãi dự thu còn lại là gần 12.000 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ xử lý hoàn tất.