|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đâu là động lực giúp lợi nhuận 6 ngân hàng tăng bằng lần trong quý III?

08:30 | 14/11/2024
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng bằng lần trong quý III/2024 dựa vào mức nền thấp từ năm trước, thay vì thể hiện xu hướng bền vững.

Động lực tăng trưởng đến từ đâu?

Trong quý III/2024, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng lợi nhuận đã ghi nhận vào quý trước đó. Thống kê từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế ở mức 70.143 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ. Trước đó, trong quý II/2024, tăng trưởng lợi nhuận từng ở mức 23%. 

Trong đó, có 6 ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ba con số, bao gồm Vietbank (tăng 726%), VietABank (tăng 265%), Bac A Bank (tăng 252%), Eximbank (tăng 194%), LPBank (tăng 134%) và Nam A Bank (tăng 112%). 

 

Nhìn chung, phần lớn tăng trưởng lợi nhuận của 6 ngân hàng trên tới từ mở rộng nguồn thu nhập, cả từ lãi và ngoài lãi. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của LPBank trong quý III tăng 63% so với cùng kỳ, Nam A Bank tăng 63%, Eximbank tăng 60%, VietABank tăng 60%, Bac A Bank tăng 75% còn Vietbank tăng 119%.

Trong khi đó, TOI trung bình của 29 nhà băng đã công bố báo cáo tài chính mới chỉ tiến thêm 13,8% trong quý vừa qua. 

Động lực cho những mức tăng trưởng TOI nói trên chủ yếu nhờ sự bật tăng đáng kể của thu nhập lãi thuần, lãi thuần từ dịch vụ (trường hợp LPBank) hay lãi thuần từ chứng khoán đầu tư (Bac A Bank). Ngoài ra, kết quả tích cực trong quý III cũng do 4/6 ngân hàng từng ghi nhận mức nền thấp vào quý III năm ngoái. 

Ở chiều ngược lại, phần lớn ngân hàng trong danh sách không hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí dự phòng. Dữ liệu cho thấy chi phí dự phòng quý III/2024 của 5/6 ngân hàng đã tăng so với cùng kỳ, trong đó, chi phí của Vietbank gấp 6,5 lần. Chỉ duy nhất có VietABank ghi nhận chi phí dự phòng giảm 86%. 

Trong danh sách 6 ngân hàng kể trên, LPBank và Nam A Bank thuộc nhóm duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đều đặn qua các quý.

Với trường hợp của LPBank, lợi nhuận mạnh mẽ trong quý III/2024 tới từ thu nhập lãi thuần tăng 43% hay 1.145 tỷ đồng so với cùng kỳ và lãi thuần dịch vụ tăng 519% hay 852 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của ngân hàng tiến thêm 15%, còn chi phí dự phòng tăng 19%. LPBank cũng đã duy trì mức lợi nhuận khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng trong 4 quý liên tiếp, kể từ quý IV/2023. 

 

Trong khi đó, lợi nhuận Nam A Bank tăng trưởng mạnh trong quý vừa qua chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng trưởng 53% hay 690 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác tăng 3035% hay 94 tỷ đồng. Chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm 4% so với cùng kỳ, trong khi chi phí dự phòng tăng 332 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái được hoàn nhập 117 tỷ đồng). 

Nam A Bank cũng đã duy trì mức lợi nhuận trên dưới 1.000 tỷ đồng trong 4 quý liên tiếp, cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước.

Tuy nhiên, số dư và tỷ lệ nợ xấu của cả LPBank và Nam A Bank đều tăng đáng kể sau ba quý đầu năm nay. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu của LPBank đã lên mức 1,96% còn Nam A Bank là 2,85%.

4 ngân hàng tăng trưởng dựa vào mức nền thấp

Eximbank, Viet A Bank, Bac A Bank và Vietbank ghi nhận lợi nhuận tăng bằng lần trong quý III vừa qua chủ yếu nhờ mức nền thấp của năm ngoái. 

Trong trường hợp của Eximbank, mặc dù báo cáo lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng 134% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nếu so sánh với quý III của năm 2022, lợi nhuận ngân hàng này đã giảm 29,3%.

TOI quý III/2024 của Eximbank cao hơn 60% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ thu nhập lãi thuần tăng 77% hay 666 tỷ đồng và lãi từ ngoại hối tăng 265% hay 205 tỷ đồng. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động của ngân hàng này lần lượt tiến thêm 14% và 19%. 

TOI của các ngân hàng như Eximbank, VietABank, Bac A Bank và VietBank không tăng trưởng quá mạnh so với trung bình 8 quý gần nhất. 

Vietbank là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 tới 726%, cao nhất toàn ngành. Nguyên nhân đến từ việc cùng kỳ năm trước, ngân hàng này chỉ lãi 50 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý IV/2020. 

Trong quý III năm nay, TOI của Vietbank ở mức 916 tỷ đồng, cao hơn 119% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ mức tăng 144% của thu nhập lãi thuần và 42% của lãi thuần từ dịch vụ. Nhờ đó, mặc dù mạnh tay nâng chi phí dự phòng thêm 551%, lên 132 tỷ đồng, ngân hàng vẫn báo lãi cao kỷ lục. 

Tương tự, lợi nhuận quý III/2023 của Bac A Bank chỉ đạt 77 tỷ đồng, thấp nhất kể từ khi nhà băng này bắt đầu  công bố báo cáo tài chính theo quý (năm 2016). Nhờ đó, mặc dù lợi nhuận quý III/2024 không quá vượt trội so với vài quý vừa qua, Bac A Bank vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ba con số. 

Trong quý III/2024, TOI của Bac A Bank tăng 75% so với cùng kỳ nhờ thu nhập lãi thuần tăng 75% hay 321 tỷ đồng và lãi thuần từ chứng khoán đầu tư tăng 989% hay 132 tỷ đồng. Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động của ngân hàng lần lượt tiến thêm 44% và 46%. 

Cuối cùng, VietABank báo cáo lãi tăng mạnh cũng nhờ mức nền thấp. Quý III/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ là 63 tỷ đồng, thấp nhất kể từ quý III/2020. Nhờ đó, VietABank có thể báo cáo mức tăng trưởng 265% so với cùng kỳ trong quý vừa qua. 

TOI của VietABank đã tăng 60% so với cùng kỳ trong quý III năm nay, chủ yếu nhờ mức tăng 226%, hay 321 tỷ đồng của thu nhập lãi thuần và 191% hay 27 tỷ đồng của lãi thuần dịch vụ. Ngoài ra, việc ngân hàng giảm 86% chi phí dự phòng cũng hỗ trợ đánh kể cho lợi nhuận sau thuế. 

Minh Quang

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.