|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất 9 tháng năm 2024

19:40 | 03/11/2024
Chia sẻ
Vietcombank, Techcombank và Bac A Bank là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất vào cuối tháng 9/2024. Thứ hạng trong top 10 có nhiều biến động do một số ngân hàng có nợ xấu tăng vọt trong quý III.

 

Đồ họa: Vân Miên.

Theo tổng hợp từ 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và PVcomBank, BaoViet Bank), tính đến cuối quý III/2024, có 25/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023. Còn nếu so với thời điểm cuối quý II, có 11/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu đi lên.

Trước đó, trong quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng từng có sự cải thiện đáng kể trong bối cảnh số dư nợ xấu đi xuống, cho vay khách hàng tăng nhanh. Ngược lại trong 9 tháng đầu năm, nợ xấu của đa phần ngân hàng đều đi lên nhanh hơn tăng trưởng tín dụng. 

Trong ba quý đầu năm 2024, số dư nợ xấu của 29 ngân hàng trên đã tăng 27,9% trong khi cho vay chỉ tăng 11,5%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu đã tăng 0,3 điểm % so với cuối năm ngoái, lên 2,27 %. So với quý II/2024, nợ xấu đã nhích thêm 0,04 điểm %. 

Tại ngày 30/9, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu danh sách ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, ở mức 1,22%, tăng 0,24 điểm % so với cuối năm ngoái và 0,02 điểm % so với cuối quý II.  

Techcombank duy trì vị trí thứ hai, với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,29%, tăng 0,13 điểm %. Bac A Bank đứng vị trí thứ ba với tỷ lệ nợ xấu 1,33%, tăng 0,41 điểm % so với cuối năm ngoái. Trước đó, Bac A Bank từng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất vào cuối quý I và cuối năm 2023. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Bac A Bank đã giảm 0,15 điểm % so với cuối quý II. 

VietinBank vươn lên vị trí thứ 4 với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,45%, còn ACB tụt xuống hạng 4 với tỷ lệ nợ xấu 1,49%. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được tính bằng tỷ lệ của tổng số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 trên tổng cho vay khách hàng của ngân hàng. 

Những vị trí còn lại trong TOP 10 lần lượt thuộc về VietABank, BIDV, SeABank, HDBank và KienlongBank.

Trong đó, SeABank là hai ngân hàng ghi nhận chất lượng tài sản cải thiện trong 9 tháng khi tăng trưởng cho vay tốt hơn tăng trưởng nợ xấu. MB và LPBank  lại rời khỏi top 10 khi nợ xấu tăng lần lượt 60% và 70% sau 9 tháng. 

So với cuối năm ngoái, có 4 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu giảm là SeABank (giảm 0,07 điểm %), MSB (giảm 0,24 điểm %), SHB (giảm 0,01 điểm %) và PGBank (giảm 0,23 điểm %). 

 

Minh Quang