|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đằng sau mức tăng trưởng lợi nhuận ba con số của các ngân hàng trong quý II/2024

08:39 | 09/08/2024
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II, ba ngân hàng có mức tăng trưởng ba chữ số với những bối cảnh khác nhau.

Động lực đến từ đâu?

Quý II/2024, lợi nhuận ngành ngân hàng có sự bứt tốc đáng kể. Theo thống kê, lợi nhuận trước thuế của 28 ngân hàng đã tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước đạt76.089 tỷ đồng, gần ngang bằng với mức tăng trưởng lợi nhuận của quý IV/2023, quý có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất kể từ đầu năm 2023 trở lại đây.

Trong đó, có 4 ngân hàng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ba con số và hai nhà băng có lợi nhuận tăng gần gấp đôi cùng kỳ (83% và 97%).

Trong quý II/2024, có 4 ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, hai nhà băng gần đạt mức tăng ba con số.

Động lực cho các con số tăng trưởng nói trên tại các ngân hàng cũng có sự phân hoá, nhờ sự bật tăng của thu nhập lãi thuần, các mảng kinh doanh khác hoặc cắt giảm trích lập dự phòng trong kỳ. Đồng thời, 4/6 ngân hàng trong danh sách này đều thuộc nhóm quy mô nhỏ và từng ghi nhận kết quả thấp trong quý II năm ngoái. 

Theo ghi nhận từ báo cáo tài chính, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của SeABank đã tăng 94% so với cùng kỳ; LPBank tăng 67%;Vietbank tăng 46%;BVBank tăng 44%; NCB tăng 36%.Mức tăng trưởng này cao so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tại BVBank tăng gấp rưỡi cùng kỳ, tại SeABank tăng 43,6%; LPBank và Vietbank tăng hơn 36% là động lực chính cho tăng trưởng.

Khác với nhóm ngân hàng trên, tại ABBank, thu nhập lãi thuần chỉ tăng trưởng 4% trong khi lãi thuần từ dịch vụ hay mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh đều sụt giảm. Tăng trưởng lợi nhuận được duy trì nhờ sự tăng đột biến từ kinh doanh ngoại hối (lãi thuần tăng 86%) và cắt giảm chi phí dự phòng (giảm 34%).

Tương tự tại NCB, thu nhập lãi thuần chỉ tăng nhẹ trong khi lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối sụt giảm. Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu từ dịch vụ (gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước) và thoát lỗ ở mảng kinh doanh khác (cùng kỳ năm trước mảng này lỗ 27 tỷ). 

Lợi nhuận thuần từ kinh doanh của NCB tăng lên 100 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 9,4 tỷ đồng. Mặc dù ngân hàng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro từ 1,3 tỷ đồng lên gần 52 tỷ đồng nhưng mức nền thấp từ cùng kỳ năm trước vẫn khiến cho NCB đạt được con số tăng trưởng lợi nhuận cao trong kỳ.

Đà tăng trưởng liệu có bền vững?

Để đánh giá về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận liệu có bền vững, cùng nhìn vào con số tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh (TOI) của các ngân hàng. 

Có thể nhận thấy rằng mức tăng trưởng TOI của các ngân hàng nói trên cao so với mặt bằng chung của ngành ngân hàng, tuy nhiên cũng không phải quá vượt trội nếu so với những cái tên như Techcombank, VPBank, với quy mô lớn hơn rất nhiều. 

Mức tăng trưởng của ba ngân hàng cũng không phải quá lớn nếu so sánh với con số trong quá khứ dài hơn. Cụ thể, so với lợi nhuận trung bình giai đoạn từ đầu năm 2020 đến quý II/2024, TOI quý II của BVBank tăng 37,9%, NCB tăng 19,5% còn ABBank chỉ tăng 5,5%. Ba ngân hàng ghi nhận mức tăng TOI tốt hơn gồm Vietbank tăng 52,7%, LPBank tăng 52,8% còn SeABank tăng 62,1%.

 

Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cũng cho thấy xu hướng tương tự. Nếu sử dụng kết quả trung bình giai đoạn 2020 - quý II/2024 để so sánh, lợi nhuận quý II/2024 của nhóm LPBank, SeABank và Vietbank đã tăng trưởng lần lượt 120,9%, 74% và 109,5%. 

 

Bên cạnh đó, sự biến động lợi nhuận qua các kỳ của nhiều ngân hàng cũng rất lớn.

Chẳng hạn, NCB có những quý lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng cũng có giai đoạn lãi tới 181 tỷ đồng. ABBank từng ghi lợi nhuận trước thuế lên tới 1.085 tỷ đồng vào quý II/2022 (gấp 2,8 lần kết quả quý II/2024) còn BVBank từng báo lãi 185 tỷ đồng vào quý II/2021 (gấp 2,2 lần kết quả quý II/2024).

Hay tại Vietbank, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay trong quý IV/2023, hay mức tăng trưởng cao trong quý II/2024. Tuy nhiên, xen giữa hai quý kỷ lục trên là những mức lợi nhuận thấp vào quý III/2023 vàquý I/2024.

Lợi nhuận Vietbank có sự biến động lớn giữa các quý và so với cùng kỳ. 

Trong các ngân hàng kể trên, lợi nhuận của SeABank và LPBank có xu hướng tăng trưởng đều hơn, mặc dù cũng có chậm lại ở một số thời điểm (cuối năm 2022, đầu 2023) do khó khăn chung của toàn ngành. Tuy nhiên bước qua giai đoạn khó khăn chung, các ngân hàng trên đều ghi nhận kết quả tích cực.

TOI của hai ngân hàng này cũng cho thấy sự mở rộng về thu nhập. Đồng thời, cả thu nhập lãi thuần (NII) và các khoản thu ngoài lãi của LPBank, SeABank đều đạt được sự tăng trưởng. Cả hai ngân hàng cũng tăng trích lập dự phòng theo quy mô tài sản, cho vay và diễn biến nợ xấu. 

 

Minh Quang