|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì làm nên mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 240% của LPBank trong quý II?

15:30 | 23/07/2024
Chia sẻ
Tăng trưởng ba chữ số từ các mảng phi tín dụng và gần 50% từ thu nhập lãi thuần là lý do đưa lợi nhuận quý II của LPBank tăng vọt so với năm trước.

Trong quý II, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank - Mã: LPB) ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến với lãi trước thuế tăng 245% so với cùng kỳ năm trước đạt 3.032 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất so với cùng kỳ trong số các ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh đến thời điểm hiện tại.

Theo thông tin từ báo cáo tài chính của ngân hàng, động lực tăng trưởng lợi nhuận trong quý II đến từ nhiều mảng kinh doanh.

Thu nhập lãi thuần của LPBank tăng gần 50% trong quý nhờ mức tăng trưởng cho vay cao (hơn 15% so với cuối năm trước). Cùng với đó, các mảng thu nhập ngoài lãi như dịch vụ, ngoại hối hay hoạt động kinh doanh khác đều ghi nhận tăng trưởng ba chữ số.

Chỉ có mua bán chứng khoán và góp vốn mua bán cổ phần là hai mảng ghi nhận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước mặc dù tỷ trọng nhỏ trong tổng thu nhập.

 

Theo giải trình của ngân hàng, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều cải thiện, hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân, doanh nghiệp phục hồi và cần bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, dư nợ của LPBank tăng mạnh dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu từ báo cáo tài chính của ngân hàng cho thấy trong nửa đầu năm, thu nhập từ lãi đã tăng từ 15.570 tỷ (6 tháng đầu năm 2023) lên 16.216 tỷ, tăng 4,1% nhưng chi phí lãi lại giảm 12% từ hơn 10.300 tỷ về 9.100 tỷ. Do đó có thể hình dung mức tăng trưởng của thu nhập lãi thuần không chỉ nhờ tăng tín dụng mà còn do tác động của giảm chi phí huy động.

Về tăng trưởng đột biến từ các nguồn thu ngoài lãi, LPBank cho biếtcác đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất được cải thiện, dẫn tới nhu cầu ngoại tệ tăng lên, thúc đẩy thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Lãi thuần từ ngoại hối của LPBank đã tăng 17.5% so với cùng kỳ, đem về 193 tỷ đồng. Trong đó, thu từ công cụ tài chính và phái sinh tiền tệ đạt 804 tỷ đồng, thu từ ngoại tệ giao ngay là 346,4 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, ngân hàng đã tăng cường các dịch vụ thanh toán bảo lãnh trong và ngoài nước, triển khai các sản phẩm mới, cắt giảm chi phí,... kéo thu nhập từ dịch vụ tăng, 

Dịch vụ là mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh của LPBank, mang về 1.685 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 255% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ khác ghi nhận thu nhập đột biến hơn 1.512 tỷ, gấp 12 lần cùng kỳ. Bên cạnh đó, các chi phí như chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro không có nhiều biến động so với cùng kỳ.

Thu nhập từ dịch vụ khác trong quý II/2024 gấp 12 lần cùng kỳ. (Ảnh: LPBank).

Cuối quý II, tổng tài sản của LPBank đã lên gần 443.000 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2023. Cho vay khách hàng tăng 15,2%, cao hơn đáng kể so với mức tăng toàn ngành. Tiền gửi khách hàng tại LPBank cũng tăng 21,4%, đạt gần 288.098 tỷ đồng, cũng là một mức cao so với các ngân hàng đã công bố. 

Số dư nợ xấu của LPBank tăng 48% từ 3.689 tỷ đồng lên 5.482 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 1,73%.

 

Minh Nguyệt

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.