Basel II - Chạy đi thôi đừng chờ nữa
Ảnh minh hoạ.
Ngân hàng chạy đua Basel II
Câu chuyện Basel II và tăng vốn của các ngân hàng Việt không phải là câu chuyện mới trong giới tài chính nhưng lại luôn là vấn đề "nóng" thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao ngân hàng và thậm chí là những nhân viên tại các tổ chức tín dụng.
Vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong Basel II là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) - tỉ lệ vốn điều lệ trên tổng tài sản có có khả năng chuyển đổi. Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở Thông tư 41, kể từ ngày 1/1/2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải thường xuyên duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8% . Tuy thấp hơn so với tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu qui định hiện tại là 9% (Thông tư 36) nhưng có cách tính mới, chặt chẽ hơn.
Từ năm 2013, NHNN đã lựa chọn 10 ngân hàng thương mại để thí điểm thực hiện Basel II. Đến thời điểm hiện tại đã có 6 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41 sớm trước thời hạn, gồm Vietcombank, VIB, MB, VPBank, OCB, TPBank. Trong đó TPBank và OCB là hai ngân hàng không thuộc danh sách thí điểm.
Điều này cho thấy các ngân hàng đều đang có nỗ lực rất lớn trong việc hướng đến Basel II từ xử lí nợ xấu và tăng vốn. Cụ thể, trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng vừa qua, ngân hàng LienVietPostBank cho biết sẽ tập trung nguồn lực để triển khai áp dụng Basel II trong năm 2019.
Tại Techcombank, Chủ tịch Hồ Hùng Anh chia sẻ dự kiến trong quí II ngân hàng sẽ hoàn thành đáp ứng theo Basel II. Một ngân hàng khác là VietBank cũng cho biết sẽ nộp hồ sơ xin áp dụng CAR mới trong quí II.
Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chia sẻ dự kiến đến năm 2020 sẽ có ít nhất 12 đến 15 TCTD áp dụng thành công Basel II.
Hệ số CAR của các ngân hàng hiện nay là bao nhiêu?
Theo thống kê từ NHNN, cuối tháng 2/2019, tỉ lệ an toàn vốn toàn hệ thống ngân hàng ở mức 11,8%. Trong đó, nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài có tỉ lệ này ở mức cao nhất 24,67%. Nhóm các NHTM cổ phần có hệ số CAR là 10,76% và nhóm NHTM Nhà nước có hệ số này thấp nhất tại 9,42%.
Theo thống kê của người viết từ các ngân hàng đã công bố rộng rãi hệ số CAR cuối năm 2018, ANZ Việt Nam là ngân hàng có hệ số này ở mức cao nhất là 17,97%. Tiếp đó là các ngân hàng như Eximbank (15,05%); Techcombank (14,3%); HSBC (14%). Có 4 trong số 6 ngân hàng đã được phê chuẩn áp dụng Basel II có hệ số CAR dao động trong khoảng từ 12,14 - 12,81%.
Thống kê hệ số an toàn vốn (CAR) các ngân hàng thương mại cuối năm 2018 (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).
Đã đến lúc cần tăng vốn cho các ngân hàng
Dường như các ngân hàng đang càng sốt sắng trong vấn đề tăng vốn hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện tại. Điều gì đang thúc đẩy và làm cấp bách nó như vậy?
Thời hạn áp dụng Basel II tới gần là một trong những nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy nhất. Chỉ còn hơn một năm nữa là tới hạn chót khiến các ngân hàng đang gấp rút hoàn thành các dự án về áp dụng chuẩn mực quốc tế này.
Một nguyên nhân khác có lẽ cũng quan trong không kém là chính sách "tặng quà" của NHNN, những ngân hàng được phê duyệt áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn sẽ được ưu tiên cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm. Đây là một yếu tố ảnh hưởng khá lớn nhất là trong thời điểm NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 14% trong năm 2019. Nếu ngân hàng nào càng sớm được áp dụng Basel II thì sẽ càng có cơ hội lớn để được nới "room" tín dụng.
Tăng vốn cũng trở thành vấn đề cần thiết khi các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng lớn hàng năm nhưng lại không được tăng hoặc tăng rất ít về vốn điều lệ, nhất là tại 4 NHTM Nhà nước.
Và đương nhiên rằng chỉ tăng vốn thôi là chưa đủ để giúp các nhà băng cải thiện hệ số CAR, cùng với đó họ cần phải cải thiện chất lượng tài sản của mình, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản.
Khó tăng vốn - nguyên nhân chủ yếu là khách quan
Theo nhận định của Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, việc nhu cầu tăng vốn của các ngân hàng thương mại hiện nay là thách thức với nhiều nguyên nhân.
Các TCTD đều đã có phương án tăng vốn chủ sở hữu nhưng đang bị gò bó, vướng mắc ở nhiều khâu. Ví dụ như lí do ngân sách hạn hẹp nên Nhà nước không cho phép giữ lại cổ tức, giữ lại phần về thoái vốn và cổ phần hoá, do đó rất khó tăng vốn điều lệ.
Thứ hai, tăng vốn theo các phương án mới thì NHNN phê duyệt tương đối lâu như phát hành cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên (ESOP), phát hành riêng lẻ do chưa được sự đồng thuận cao của cơ quan quản lí
Thứ ba, thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là rất cần thiết nhưng khâu phê duyệt còn khó và qui định về giá cả còn vướng mắc. Hiện nay, theo qui định phải lấy giá bình quân 10 phiên giao dịch liên tiếp gần nhất để quyết định giá. Nhưng do thời gian phê duyệt lâu nên mức giá tại thời điểm đưa ra và thời điểm được phê duyệt có sự chênh lệch khiến cho hai bên khó thống nhất về giá.
Ông cho rằng những vấn đề này cần thiết phải có xử lí thấu đáo triệt để trong thời gian tới. NHNN nên khuyến khích hình thức phát hành cổ tức bằng cổ phiếu và ESOP bởi vì vừa làm tăng gắn kết của nhân viên mà cũng là kênh huy động vốn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tại nhóm các NHTM có vốn Nhà nước, ông cho biết: "Hiện nay không phải vướng mắc ở NHNN mà là từ phía Bộ Tài Chính có cho phép giữ lại cổ tức hay không".