|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trụ cột 2 Basel II có thực sự khó với các ngân hàng Việt?

07:00 | 31/12/2019
Chia sẻ
Đã có 18 ngân hàng được phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II nhưng chỉ một trong số đó áp dụng được Trụ cột 2 "đánh giá về mức độ đủ vốn". Còn lộ trình 1 năm để đến bước tiếp theo này, Trụ cột 2 có thực sự là khó đối với các ngân hàng Việt?

Khái niệm Basel II đã không là một khái niệm mới trong lĩnh vực ngân hàng trong những năm gần đây và trở thành một chủ đề được nhiều người quan tâm khi chuẩn mực này sẽ được chính thức áp dụng trên toàn hệ thống ngân hàng Việt vào năm 2020 theo kế hoạch.

Tính tới thời điểm hiện tại đã có 18 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt chuẩn Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn) đáp ứng Trụ cột 1 với yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn (hay còn được gọi là hệ số CAR) và Trụ cột 3 về sự minh bạch thông tin. 

Trong đó, mới chỉ có một ngân hàng thành công áp dụng cả ba trụ cột chuẩn là VIB. Theo lộ trình kế hoạch, việc áp dụng Trụ cột 2 được yêu cầu vào năm 2021, khoảng thời gian sau 1 năm cho thấy đây là một yêu cầu mang tính phức tạp và khó khăn hơn và thành công của VIB nhận được sự đánh giá cao của các đối tác và cơ quan quản lí.

Trụ cột 2 Basel II có thực sự khó với các ngân hàng Việt? - Ảnh 1.

Nguồn: DB tổng hợp từ NHNN - Đồ hoạ: Đức Việt.

Vậy trụ cột 2 của Basel có thực sự là khó đối với các ngân hàng Việt và khoảng cách giữa áp dụng trụ cột 1 và 3 với áp dụng cả ba trụ cột là "bao xa" và đâu là yếu tố quyết định?

Trụ cột Basel II có thực sự khó?

Trụ cột 2 được nhắc đến ở đây là "đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn" về cả định tính và định lượng. Cụ thể, ngân hàng cần chuẩn hoá qui trình, phương pháp và công cụ đo lường rủi ro, kiểm tra sức chịu đựng về vốn, lập kế hoạch vốn theo các kịch bản thị trường và kinh doanh, giám sát về mức đủ vốn (ICAAP).

Như vậy, nếu tại Trụ cột 1 là yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu với các loại rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường thì Trụ cột 2 là một quá trình xây dựng qui trình, tính toán, đánh giá các rủi ro trọng yếu khác.

Ngân hàng cần xác định các loại rủi ro chưa được đề cập đến trong Thông tư 41 phụ thuộc vào đặc thù hoạt động, các mảng kinh doanh và nhiều yếu tố liên quan khác của riêng mỗi ngân hàng: rủi ro tập trung, rủi ro uy tín,... Đây cũng chính là bước khó đầu tiên đối với các ngân hàng khi thực hiện trụ cột này. 

"Việc xác định rủi ro tại Trụ cột 2 là mở, NHNN không đưa ra phương pháp luận hay cách tính, ngân hàng phải tự dựa vào chuẩn mực của thế giới để viết ra được phương pháp tính của riêng mình để lượng hoá được rủi ro", ông Hà Hoàng Dũng, Giám đốc Quản trị rủi ro của VIB, chia sẻ.

Từ những kết quả đó, ngân hàng phải thực hiện đưa ra những kịch bản, diễn biến bất lợi tác động đến ngành nói chung và từng ngân hàng nói riêng để đưa ra được mức vốn kinh tế yêu cầu là bao nhiêu và có những kế hoạch vốn để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động lành mạnh.

"Khó khăn lớn nhất là lượng hoá rủi ro"

Về mặt kĩ thuật, ông Dũng cho biết lượng hoá rủi ro là vấn đề khó nhất ở Trụ cột 2 bởi vì có nhiều rủi ro là định tính khó lượng hoá được để đưa ra con số nhưng vẫn phải làm được và phải có một kết quả hợp lí.

"Ví dụ như rủi ro uy tín, rất khó để đánh giá, để biến định tính thành định lượng là một thuật toán cực khó và không chỉ dựa trên lí thuyết được mà cần có thêm các số liệu thống kê từ quá khứ, dựa vào những kịch bản mà mình có thể gặp phải, từ đó lượng hoá ra con số", ông nói.

Trụ cột 2 Basel II có thực sự khó với các ngân hàng Việt? - Ảnh 2.

Những vấn đề về Trụ cột 2 được đề cập và qui định tại Thông tư 13 của NHNN, tuy nhiên, tại đây chỉ có lí thuyết mà không đưa ra phương pháp tính toán, lượng hoá.

Trong quá trình lượng hoá, các ngân hàng cần đưa ra những kịch bản căng thẳng với cả những yếu tố bên ngoài (lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng GDP, tỉ lệ thất nghiệp,...) và những yếu tố nội tại (tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ trả nợ trước hạn, tỉ lệ đòng bẩy, tỉ lệ giảm giá tài sản,...). Đây là một quá trình tính toán khá phức tạp và do đó nó đòi hỏi yêu cầu đầy đủ về vốn và nhân lực.

Theo ông Dũng, để ngân hàng có thể hoàn thành được Trụ cột 2 này không thể không nhắc tới sự chú trọng của HĐQT, quá trình đầu tư về vốn, hệ thống, nguồn nhân lực và sự hỗ trợ rất lớn từ các đối tác tư vấn (như PwC), kinh nghiệm từ cổ đông chiến lược CBA.

Như vậy, qua trường hợp của VIB, có thể nhận thấy rằng, Basel II và nhất là Trụ cột số 2 không phải dễ dàng tuy nhiên cũng không phải quá khó đối với các ngân hàng Việt hiện nay. Bước đầu thành công của VIB sẽ là kinh nghiệm tốt cho các ngân hàng đi sau.


Diệp Bình