|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Trùm BOT' thất thủ và chuyện 'gà đẻ trứng vàng'

08:20 | 19/05/2019
Chia sẻ
Tasco được biết đến như “ông trùm” trong lĩnh vực các dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí.

Tasco của ông Phạm Quang Dũng được coi là “trùm BOT” khi sở hữu hàng chục dự án BOT với tổng mức đầu tư riêng mảng này là 6.900 tỷ đồng, với các trạm thu phí để hoàn vốn cho dự án như Quốc Lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, Quốc lộ 10 đi Hải Phòng.

Trùm BOT thất thủ và chuyện gà đẻ trứng vàng - Ảnh 1.

BOT Mỹ Lộc, Nam Định năm 2018 liên tục phải xả trạm vì gặp sự cố.

Nợ vay “phình” to

Bên cạnh đó, Tasco cũng là chủ đầu tư Dự án Thu phí không dừng toàn quốc (theo hình thức BOO). Dự án có quy mô hơn 1.500 tỷ đồng và được áp dụng trên 28 trạm thu phí BOT trong giai đoạn 1. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, hàng loạt trạm thu phí như BOT 10 (La Uyên – Tân Đệ), BOT 21 (Mỹ Lộc, đường tránh Nam Định), BOT QL1 (Quảng Bình), BOT 39 (Thanh Nê, Thái Bình) bị “thất thủ” khiến cho doanh thu của Tasco giảm mạnh.

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2018, Tasco gánh 5.315 tỷ đồng nợ vay dài hạn, cùng với 22,4 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Trong khi đó, con số nợ vay của Tasco (mã HUT) năm 2017 xấp xỉ 5.137 tỷ đồng vay dài hạn và hơn 19,2 tỷ vay ngắn hạn. Năm 2016, vay dài hạn là 4.015 tỷ và 301 tỷ đồng ngắn hạn.

Tình hình quý 4/2018 cũng không sáng sủa hơn. Trong báo cáo tài chính quý 4/2018 của Tasco, hoạt động thu phí chỉ góp hơn 70 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ khiến công ty lần đầu phải báo lỗ. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, công ty báo cáo kết quả kinh doanh theo quý thua lỗ.

Lao đao vì những lùm xùm

Có thể nói, BOT luôn là “con gà đẻ trứng vàng”, giúp doanh Tasco thu lợi hàng nghìn tỷ đồng. Trước đó, các dự án này đã đem lại khoản lợi nhuận “kếch xù” cho Tasco, đỉnh điềm năm 2016 đã đem về nguồn lợi nhuận khổng lồ là 406 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong năm 2018, nhiều dự án BOT thu phí của Tasco liên tục phải xả trạm vì gặp sự cố.

Cụ thể, tại trạm thu phí BOT Mỹ Lộc (Nam Định) trên tuyến QL21B, cũng là đường tránh TP. Nam Định (tỉnh Nam Định), nhiều lái xe và doanh nghiệp vận tải cho rằng, làn đường rộng 5m trên QL21B, đoạn từ vòng tròn Big C Nam Định đến trạm thu phí Mỹ Lộc dài 3,9 km là BT, không phải là BOT. Do đó, nhiều lái xe đã lập chốt ở Trạm BOT Mỹ Lộc trên tuyến đường này, để phản đối việc thu phí.

Tình hình kinh doanh và hướng đi của Tasco đã có nhiều thay đổi, khi các quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu này.

Tương tự, các tài xế cũng phản ứng dữ dội về việc trạm BOT Tân Đệ đã hết hạn thu phí, việc Tasco vẫn duy trì hoạt động của trạm thu phí này để hoàn trả kinh phí làm quốc lộ 10, đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (huyện Đông Hưng, Thái Bình) là vô lý. Trước áp lực của dư luận, Tasco phải dừng thu phí đối với 2 dự án BOT này kể từ giữa năm 2018. Việc xả trạm đã làm giảm mạnh doanh thu của Tasco.

Mảng đầu tư BOT hạ tầng giao thông được cho là có độ an toàn cao do được vay ngân hàng nhiều (80-85%), thu được "tiền tươi" từ phí, doanh nghiệp không lo lắng về dòng tiền. 

Tuy nhiên, mảng kinh doanh “gà để trứng vàng” này giờ không còn dễ như trước, khi liên tục gặp sự phản đối gay gắt từ người dân.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh và hướng đi của Tasco đã có nhiều thay đổi, khi các quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu này. Có những dấu hiệu cho thấy các quỹ bắt đầu rút ra. Vinacapital hồi đầu tháng 6/2018 đã bán ra 500.000 cổ phiếu HUT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn hơn 6,7 triệu đơn vị (2,68%).

Cũng vào cuối tháng 6/2018, Tasco cũng đã phải nhượng 70% vốn điều lệ công ty con duy nhất thuộc ngành điện cho đối tác ngoại. Tasco bán 70% cổ phần tại CTCP Tasco Năng lượng (vốn 420 tỷ đồng) cho đối tác ngoại là Công ty Risen Energy (Hongkong) Co., Limited.


Nguyễn Việt