BOT còn phức tạp nhưng đã bớt... nóng
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhìn nhận, năm 2019, tình hình trật tự, an toàn giao thông tại các trạm thu phí đường bộ đã được cải thiện. Nhờ đó, việc xả trạm thu phí ít xảy ra.
Để có được điều đó, trong năm, các lực lượng đã làm sâu hơn, thực hiện điều tra nắm rõ về các đối tượng cầm đầu kích động, thường xuyên tập trung ở các trạm thu phí để xử lý ngay khi vừa nhen nhóm.
Đồng thời, theo tướng Đức, các cơ quan liên quan cũng giải quyết rốt ráo các vướng mắc, phản ánh của người dân về trạm thu phí.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng đánh giá, dù giải quyết các vấn đề thu phí còn khó khăn, nhưng năm 2019 tình hình đã cơ bản ổn định. Tới nay, dù đâu đó vẫn còn trạm thu phí phát sinh các vấn đề, nhưng chủ yếu rơi vào các trạm thu phí mới.
Mới nhất là các xe tập trung gây mất trật tự tại trạm thu phí trên Quốc lộ 26 (trạm Ea Đar - Đắk Lắk, và trạm Ninh Xuân – Khánh Hòa). Còn các trạm thu phí đã hoạt động, các giải pháp đưa ra đã kiềm chế những bất đồng phát sinh.
Về thu phí tự động, ông Thể thừa nhận, việc triển khai bị chậm so với tiến độ Thủ tướng giao do vướng thể chế. Theo đó, hiện giai đoạn 1 đã hoàn thành cơ bản. Riêng với các trạm thu phí do VEC quản lý, Bộ GTVT đã nhiều lần có văn bản báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo giải quyết.
Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, riêng 2 năm (2018-2019), đã thực hiện giảm phí tại 41/62 dự án BOT đường bộ. Cùng đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý bất cập tại một số trạm thu phí BOT, như: Cai Lậy, Thái Nguyên – Chợ Mới, Quốc lộ 14, Quán Toan – Cầu Nghìn...
Theo người đứng đầu ngành giao thông, trong ít ngày tới, Thủ tướng sẽ ký ban hành Nghị định 46 và 86 sửa đổi. Đây sẽ là cơ sở để lập lại trật tự vận tải, xoá xe dù bến cóc, vận tải trá hình, xử nghiêm vi phạm. Không chỉ xử phạt khi trực tiếp phát hiện, còn xử phạt nguội qua camera và công nghệ thông tin.
Đây cũng là nền móng cho sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sẽ thực hiện trong năm 2020, với việc cập nhật các phương thức kinh doanh mới.
Riêng Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2016, ông Thể cho hay, đã phải trình Thủ tướng tới 16 lần. Đây là điển hình về sự mâu thuẫn giữa truyền thống và công nghệ, lĩnh vực mới, công nghệ mới. Dù vậy, với việc Thủ tướng sắp ký ban hành, đã cho thấy nỗ lực lớn của ngành.
Đặc biệt, ông Thể lưu ý Tổng cục Đường bộ rà soát, giám sát lực lượng thanh tra giao thông. “Lực lượng thanh tra giao thông không thể cứ đi nghênh ngang chỗ này, chỗ kia nữa, mà phải thông qua công nghệ để xử lý. Muốn vậy, phải đầu tư cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu để quản lý, xử phạt nguội”, ông Thể nói.