Ngân hàng nào cho vay khách hàng nhiều nhất?
Ngân hàng chạy đua cho vay khách hàng từ đầu năm
Trong ba tháng đầu năm, số dư cho vay khách hàng của phần lớn ngân hàng đều đã tiếp tục tăng trưởng. Chỉ có 5 trong số 27 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí I/2019 là ghi nhận sự sụt giảm từ khoản mục này (giảm từ 0,4% tới 2,9% so với đầu năm). Nhóm ngân hàng này bao gồm VietinBank, Eximbank, NCB, BaoVietBank và Saigonbank.
Số lượng ngân hàng tăng trưởng cho vay khách hàng vẫn chiếm tỉ trọng lớn trong danh sách khảo sát. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất phải kể đến những gương mặt như: TPBank (9,8%); OCB (8,5%); MBBank (6,7%); Vietcombank (6,5%); VIB (6%).
Đây cũng là nhóm ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt tuân thủ Thông tư 41 trước hạn và dự kiến sẽ được ưu tiên nới thêm "room" tín dụng trong năm 2019. Ngoài những ngân hàng này, còn hai gương mặt khác cũng đã được phê duyệt gồm ACB và VPBank.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phần lớn ngân hàng được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 ban đầu là 13%. Riêng BIDV, VietinBank và VPBank được giao 12%; trong khi Vietcombank được cấp hạn mức khá cao 15%.
Như vậy có thể nhận thấy các ngân hàng có khả năng được nới "room" đang ra sức chạy đua tăng trưởng cho vay từ đầu năm để xin phép NHNN.
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp.
Không thể phủ nhận vai trò của nhóm NHTM Nhà nước
Mặc dù không phải là nơi có tăng trưởng mạnh nhất nhưng xét về số tuyệt đối có thể nhận thấy nhóm những NHTM Nhà nước vẫn có tỉ trọng cấp vốn cho vay khách hàng cao nhất. Không kể đến Agribank (do chưa công bố kết quả quí I), số dư cho vay khách hàng từ ba ngân hàng trong nhóm Big4 còn lại lên đến gần 2,6 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm trước.
Trong khi đó tổng cho vay khách hàng của nhóm 24 ngân hàng cổ phần còn lại cũng chỉ đạt hơn 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 4%. Nếu cộng thêm với con số cung ứng vốn của Agribank (khoảng 1 triệu tỉ đồng) thì sự chênh lệch giữa hai nhóm sẽ trở nên rõ rệt hơn rất nhiều.
Nhận định trong báo cáo trình Quốc hội mới đây, NHNN cho biết các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD.
Trong buổi họp báo Chính phủ thường kì tháng 4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: "4 ngân hàng thương mại Nhà nước là kênh chủ lực đóng vai trò chính cung ứng vốn cho Nhà nước đặc biệt là các dự án trọng điểm".
Phó Thống đốc cũng cho biết trong các năm vừa qua, các NHTM Nhà nước này có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh từ 14 - 15% nhưng vốn điều lệ lại không được bổ sung. Do vậy tốc độ tăng trưởng cho vay càng cao càng tạo áp lực lên vấn đề tăng vốn.
Đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này đạt 152.880 tỉ đồng; tăng 0,73% so với tháng 12/2018; tổng tài sản đạt 5.057,400 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2018; cho vay thị trường 1 tăng 2,8% so với cuối năm 2018; tỉ lệ nợ xấu là 1,51%.
Theo nhận định của VDSC, Việt Nam đang đối mặt với rủi ro đến từ việc tổng tín dụng trong nước đang tăng nhanh hơn nhiều so với GDP danh nghĩa và việc NHNN giảm dần mục tiêu tăng trưởng tín dụng là một động thái phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định.
Sau nhiều năm duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao, tổng tín dụng trong nước hiện đã tăng lên mức tương đương 130% của GDP (so với mức 20% cách đây 20 năm). Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF và World Bank khuyến nghị rằng tăng trưởng tín dụng cần phải được tiết chế lại nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm tới.
Do vậy, NHNN tiếp tục định hướng quản lý tín dụng chặt chẽ hơn sau khi đưa tăng trưởng tín dụng năm 2018 về 14%, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Năm 2019, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức khoảng 14%, tương đương năm ngoái, có thể thay đổi linh hoạt theo tình hình thị trường và kinh tế vĩ mô.