|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed nên dừng tay khi các nạn nhân của chu kỳ tăng lãi suất đã xuất hiện?

16:24 | 13/03/2023
Chia sẻ
Các nhà phân tích cho rằng Fed đóng một vai trò nhất định trong sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và kêu gọi ngân hàng trung ương Mỹ nên dừng tăng lãi suất.

 

Các chuyên gia nói rằng SVB là nạn nhân của chu kỳ tăng lãi suất mà Fed đang triển khai. (Ảnh minh hoạ: Financial Times/Reuters).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có liên quan sâu sắc tới vụ sụp đổ nghiêm trọng của Silicon Valley Bank (SVB). Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tranh luận về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng, một số chuyên gia kêu gọi Fed nên tạm ngừng tăng lãi suất.

Hôm 10/3, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Investing.com, ông Will Rhind, nhà sáng lập kiêm CEO của quỹ đầu tư GraniteShares, cho hay: “Chắc chắn là Fed nên tạm dừng [tăng lãi suất]”.

Sau thông tin SVB bị buộc đóng cửa, các nhà đầu tư đã hạ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps) vào cuối tháng 3, xác suất đã giảm từ mức 80% hồi đầu tuần trước xuống còn 40%.

“Khi Fed tăng lãi suất nhanh và cao như vậy, luôn luôn tồn tại hậu quả. Mọi người không nhất thiết phải luôn biết trước hậu quả đó là gì. SVB là thứ đầu tiên bị phá vỡ và đó là hậu quả trực tiếp của việc tăng lãi suất”, ông Rhind tiếp lời.

SVB - nạn nhân của Fed

Những ngày cuối cùng của SVB sẽ đi vào lịch sử, trở thành chuỗi lao dốc nhanh nhất từng được ghi nhận. Chỉ trong vòng 24 giờ, ngân hàng này chứng kiến khách hàng rút ra 42 tỷ USD tiền gửi.

Sau đó, họ phải lao đi tìm cách giải cứu chính mình, sau khi không kịp bán tài sản để trang trải cho các khoản tiền gửi bị khách rút ra. SVB cũng từng tìm người mua lại mình nhưng bất thành.

Song, các vấn đề của SVB đã xuất hiện từ trước đó. Rắc rối hình thành kể từ những ngày đầu của đại dịch, khi lĩnh vực công nghệ được ưa chuộng và các startup huy động được lượng tiền mặt khổng lồ từ các nhà đầu tư mạo hiểm.

Chuyên phục vụ lĩnh vực công nghệ, SVB dường như là đối tác phù hợp cho nhiều công ty công nghệ dư thừa tiền mặt, khi họ muốn gửi hàng tỷ USD vào kho bạc của ngân hàng này. Do vậy, tiền gửi tại SVB đã phình to lên.

Vào thời điểm thanh khoản trong hệ thống dồi dào do lãi suất xuống thấp và chính phủ bơm nhiều kích thích tài khoá, SVB không thể cho vay hết. Do đó, họ quyết định đầu tư lượng lớn tiền gửi vào trái phiếu Kho bạc dài hạn để tìm kiếm lợi nhuận.

Chiến lược trên có hiệu quả khi lãi suất duy trì ở mức thấp, bởi giá trái phiếu biến động ngược chiều với lãi suất. Song, khi Fed nhận ra rằng lạm phát không phải tạm thời và bắt đầu triển khai chiến dịch tăng lãi suất nhanh nhất trong hơn 4 thập kỷ, mọi thứ đã thay đổi.

 

Giờ đây, SVB gặp phải một vấn đề thực sự nghiêm trọng. Giá trái phiếu giảm mạnh khi lãi suất tăng lên và không bao lâu sau ngân hàng này phải ngồi trên đống tài sản có tỷ suất sinh lời quá thấp.

SVB có khoản lỗ chưa thực nhận lớn trong danh mục chứng khoán nợ. Mặt khác, do chi phí và lãi suất cao bắt đầu gây thiệt hại, các công ty công nghệ đối tác của SVB phải rút tiền gửi ra để trang trải.

Giải pháp của SVB là bán trái phiếu dài hạn sinh lời thấp và mua trái phiếu ngắn hạn đang có lợi nhuận hấp dẫn hơn trong bối cảnh Fed quyết tâm kéo lãi suất lên cao để khống chế lạm phát.

Ngân hàng đã tiết lộ biện pháp khắc phục này cho các cổ đông bằng thư, ước tính khoản lỗ 1,8 tỷ USD khi bán ra danh mục trái phiếu Kho bạc, đồng thời lên kế hoạch chi tiết để huy động vốn thêm 2,25 tỷ USD.

Song, phần lớn các nhà đầu tư và khách hàng không sẵn lòng chờ đợi. Phớt lờ lời kêu gọi “hãy bình tĩnh” từ CEO Greg Becker, khách hàng đã tăng tốc độ rút tiền, khiến SVB rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

 

Áp lực chính trị đè nặng Fed

Thị trường vẫn đang tranh luận xem đây là “vấn đề của chỉ một ngân hàng” hay là rủi ro mang tính hệ thống. Có một số bằng chứng cho thấy có thể sẽ có nhiều SVB hơn ngoài kia.

Customers Bancorp, First Republic Bank và New York Community Bancorp là ba trong 10 ngân hàng mà tờ Morningstar liệt kê là đang nắm các khoản lỗ chưa thực nhận và đối mặt với rủi ro tài chính lớn nếu họ buộc phải bán tháo trái phiếu như SVB.

Mối nguy mang tính hệ thống có thể đang hình thành, có khả năng buộc nhiều ngân hàng khu vực phải ngừng hoạt động. Giới chức tại thủ đô Washington sẽ không đón nhận nồng nhiệt tin tức này.

Các nhà phân tích không loại trừ khả năng các quan chức sẽ gây áp lực chính trị mạnh mẽ lên Chủ tịch Jerome Powell nhằm buộc Fed phải ngừng tăng lãi suất.

Ông Rhind nói: “Nếu các ngân hàng khu vực phải ngừng hoạt động, thì áp lực mà các chính trị gia đặt lên Fed sẽ rất lớn. Có thể họ sẽ nói đó là điều không thể chấp nhận được, Fed phải ngừng nâng lãi suất”.

Mặc dù các nhà đầu tư đã hạ thấp khả năng Fed tăng lãi suất 50 bps tại cuộc họp tháng 3, họ không tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ từ bỏ chu kỳ tăng lãi suất. Ngay cả khi báo cáo lạm phát tuần tới vẫn còn nóng, các nhà đầu tư cho rằng Fed có thể sẽ nâng thêm 25 bps.

Ngân hàng Jefferies nhận định: “Dù lạm phát có bất ngờ nóng lên vào tuần tới, chúng tôi tin rằng Fed vẫn sẽ nhận thấy rằng rủi ro ngày càng có hai mặt và sẽ thận trọng nâng lãi suất thêm 25 bps”.

Tuy nhiên, khi cuộc tranh luận nóng lên quanh rủi ro xuất hiện một cuộc khủng hoảng ngân hàng, một số chuyên gia đồng tình rằng chính sách mạnh tay của Fed đã đóng một vai trò trong sự sụp đổ của SVB.

Wei Li, chiến lược gia trưởng của BlackRock về mảng đầu tư toàn cầu, cho hay: “Mặc dù giai đoạn này không cho thấy một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng sẽ xảy ra, nó vẫn là bằng chứng cho thấy sự rạn nứt và những hậu quả không lường trước của việc nâng lãi suất lên hệ thống tài chính”.

Yên Khê