|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fed chần chừ hạ lãi suất, đẩy các ngân hàng trung ương châu Á vào thế khó

14:40 | 11/04/2024
Chia sẻ
Một số ngân hàng trung ương châu Á không muốn giảm lãi suất trước Fed dù cần kích thích tăng trưởng, bởi họ không muốn gây áp lực khiến đồng nội tệ suy yếu và dòng vốn tháo chạy.

Đồng tiền của một số nước châu Á. (Ảnh: Shutterstock). 

Tiến thoái lưỡng nan

Các thị trường tài chính bước vào năm 2024 với niềm tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất chính sách vài lần, sớm nhất là từ tháng 3.

Song, các dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn dự kiến cùng với đà tăng của giá dầu thô đã khiến giới đầu tư thay đổi dự báo về lãi suất. Trong bối cảnh số liệu việc làm và thước đo lạm phát của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến, giờ đây một số người cho rằng Fed có thể giữ lãi suất không đổi cho đến năm 2025.

Đây là sẽ kịch bản có tác động cực kỳ lớn với các nhà hoạch định chính sách châu Á. Ví dụ, một trong những câu hỏi quan trọng ở châu Á là bao giờ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ giảm lãi suất và giảm bao nhiêu.

Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng trong kỷ nguyên hậu đại dịch và chiến đấu với áp lực giảm phát. Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn ngần ngại tung ra gói kích thích quy mô lớn, việc PBoC giảm lãi suất sẽ được coi là hành động hợp lý để giúp đỡ nền kinh tế.

Tuy nhiên, quyết định giảm lãi suất của Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình ở Mỹ.

Việc Fed duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn sẽ khiến các ngân hàng trung ương khác càng khó có thể hạ lãi suất mà không khiến đồng tiền của họ suy yếu đáng kể trước USD.

Tại Trung Quốc, tỷ giá suy yếu là rủi ro đặc biệt nghiêm trọng. Việc nhân dân tệ mất giá sẽ khiến các nhà phát triển bất động sản nặng nợ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu quốc tế, khiến làn sóng vỡ nợ trở nên dữ dội hơn.

Nhưng mặt khác, nhân dân tệ giảm giá lại có thể giúp đỡ cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc và khiến Washington phật ý.

Trong trường hợp của Việt Nam, việc Fed trì hoãn kế hoạch hạ lãi suất sẽ gây ra áp lực lên tỷ giá. Chênh lệch lãi suất giữa VND và USD đang ở mức cao do Fed đang duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 20 năm, còn Việt Nam thì từ năm ngoái đã hạ lãi suất.

Nhìn chung, câu hỏi về thời điểm Fed hạ lãi suất khiến cho công việc của các ngân hàng trung ương châu Á càng trở nên phức tạp. Nỗi lo đồng nội tệ suy yếu dẫn đến hiện tượng dòng vốn tháo chạy, khiến giá cổ phiếu giảm và lợi suất trái phiếu chính phủ tăng đang đe dọa kế hoạch mà các nhà hoạch định chính sách đã lập trước đó.

Đồng ringgit của Malaysia đã rơi xuống mức chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Tháng trước, ngân hàng trung ương Malaysia quyết định giữ nguyên lãi suất để ngăn ringgit mất giá hơn nữa, bất chấp rủi ro tăng trưởng suy yếu lớn dần. 

Theo khảo sát tuần vừa qua của Reuters, các nhà đầu tư cho rằng đồng tiền của các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục suy yếu trước USD. Các ván cược chống lại đồng won của Hàn Quốc, rupiah của Indonesia và đô-la Đài Loan đang tăng lên.

 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến đã củng cố khả năng Fed không vội hạ lãi suất. Sau khi số liệu lạm phát mới của Mỹ được công bố, USD mạnh lên, khiến tỷ giá JPY/USD rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 34 năm, tờ Wall Street Journal cho biết. Tính từ đầu năm đến nay, yen đã giảm hơn 7,8% so với USD.

Ông Rohan Reddy, Giám đốc nghiên cứu tại Global X, bình luận: “Nhiều khả năng USD sẽ tiếp tục mạnh lên còn yen sẽ trượt dốc”.

Sau diễn biến mới nhất trên thị trường ngoại hối, ông Masato Kanda, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản phụ trách các vấn đề quốc tế, nói với phóng viên rằng các nhà chức trách sẽ cân nhắc các biện pháp tiềm năng để ngăn tỷ giá hối đoái biến động quá mức. 

Tuy nhiên, ông Kanda mô tả các diễn biến gần đây của tỷ giá là “nhanh chóng” chứ không phải “quá mức”, báo hiệu các quan chức chưa có ý định can thiệp trực tiếp vào thị trường mà đang dừng lại ở mức hỗ trợ yen bằng cách trấn an.

Rủi ro khó lường

Một trong những nỗi lo lớn nhất của Fed là nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm và lạm phát tăng mạnh trở lại.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Fed lặp lại sai lầm trước năm 2007 là trì hoãn việc giảm lãi suất quá lâu? Khi thị trường tín dụng khô kiệt và cú sốc Lehman xảy ra vào năm 2008, mọi nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng đều trở nên muộn màng.

Một biến cố khác cũng có thể xảy ra đối với các ngân hàng tầm trung của Mỹ thông qua thị trường bất động sản thương mại. Hầu hết các tòa nhà thương mại được tài trợ bằng tiền vay. Thời hạn chúng cần được đảo nợ đã đến gần, trong lúc lãi suất vẫn còn ở mức cao. Điều này cộng với xu hướng làm việc tại nhà khiến giá bất động sản thương mại giảm mạnh.

Nếu thị trường bất động sản thương mại rơi vào khủng hoảng, hiển nhiên các nhà băng cho vay trong lĩnh vực này sẽ chịu thiệt hại. Không chỉ các ngân hàng Mỹ, ngay cả những ngân hàng xa xôi ở Nhật Bản cũng có thể chịu ảnh hưởng.

Những rủi ro trên sẽ càng khiến năm 2024 trở nên khó đoán và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở châu Á phải đau đầu. 

Giang