Lạm phát ‘siêu lõi’ tăng cao, Fed đang gặp rắc rối nghiêm trọng?
Lạm phát siêu lõi
Báo cáo mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng tốc nhanh hơn dự kiến, khiến thị trường chứng khoán Mỹ rung lắc vào ngày 10/4. Tuy nhiên, các nhà đầu tư còn lo lắng nhiều hơn về một số liệu khác trong báo cáo - CPI “siêu lõi”.
Ngoài CPI thông thường, các nhà kinh tế cũng thường xem xét CPI lõi - thước đo loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động. CPI siêu lõi còn đi xa hơn nữa, đo lường lạm phát dịch vụ loại trừ giá lương thực, năng lượng và nhà ở.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nói rằng lạm phát “siêu lõi” là số liệu hữu dụng bởi họ coi việc chi phí nhà ở tăng cao chỉ là vấn đề tạm thời và do đó không nói lên nhiều về xu hướng giá cả.
Tờ CNBC cho biết CPI siêu lõi tháng 3 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất trong vòng 11 tháng.
Ông Tom Fitzpatrick, Giám đốc phân tích thị trường toàn cầu tại R.J. O’Brien & Associates, cho biết khi sử dụng số liệu trong ba tháng gần đây nhất và chuẩn hóa theo năm thì ông thấy lạm phát siêu lõi đạt 8%, cao hơn nhiều mục tiêu 2% của Fed.
Ông bình luận: “Tôi nghĩ vấn đề lạm phát siêu lõi cao đang khiến giới chức Fed phải vò đầu bứt tai”.
Vấn đề nan giải
CPI tháng 3 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ước tính của Dow Jones là 3,4%. Thông tin này khiến các nhà đầu tư lùi kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 6 xuống tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME Group.
Ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Santander U.S, bình luận: “Lạm phát không thể duy trì ở mức 2% trong thời gian dài nếu chi phí dịch vụ không hạ nhiệt. Tại thời điểm này, chúng ta thấy rằng lạm phát dịch vụ vẫn đang khá nóng”.
Phố Wall đã để mắt tới xu hướng của lạm phát siêu lõi từ đầu năm. Ông Ian Lyngen, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ của BMO Capital Markets, cho biết chỉ riêng sự tăng tốc của thước đo lạm phát siêu lõi trong tháng 1 đã đủ để khiến thị trường nghi ngờ “về câu chuyện Fed đang chiến thắng lạm phát”. Ông dự đoán sự ngờ vực này sẽ kéo dài trong những tháng tới.
Một rắc rối khác của Fed là bối cảnh kinh tế vĩ mô khác nhau giữa năm 2021 - 2022 và hiện tại. Trong hai năm đó, các gói trợ cấp hào phóng của chính phủ Mỹ đã thúc đẩy người tiêu dùng vung tiền vào các khoản chi tiêu tùy ý, kéo giá cả đi lên.
Nhưng ngày nay, một số thành phần “cứng đầu” nhất của lạm phát dịch vụ lại là các nhu cầu thiết yếu của hộ gia đình như bảo hiểm ô tô, nhà ở và thuế tài sản. Ông Fitzpatrick chỉ ra: “Rắc rối là những khoản mục này không phải chi tiêu tùy ý, do đó Fed đang bị kẹt trong thế khó”.
Lạm phát dai dẳng
Ông Fitzpatrick cảnh báo Fed sẽ khó có thể đẩy lạm phát xuống thấp hơn nữa bằng cách tăng lãi suất bởi các yếu tố thúc đẩy giá cả hiện nay kém nhạy cảm với chính sách tiền tệ hơn so với trước đây.
Vấn đề phức tạp khác là tỷ lệ tiết kiệm của người tiêu dùng đang sụt giảm và chi phí vay nợ đã lên cao hơn trước, do đó ngân hàng trung ương Mỹ có nguy cơ khiến “thứ gì đó đổ vỡ” - theo cách nói của Phố Wall - nếu duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt quá lâu.
Nhà kinh tế Staley cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất lên cao hơn nữa rất thấp, nhưng kịch bản này cũng không thể bị loại trừ cho đến khi lạm phát quay về gần với mục tiêu 2%.
Ông nêu ý kiến: “Tôi nghĩ nhìn chung lạm phát sẽ đi xuống và Fed sẽ giảm lãi suất muộn hơn suy đoán trước đây của chúng ta. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải lạm phát đang bám chặt rễ vào nền kinh tế hay không? Có thể đến một lúc nào đó, khả năng Fed tăng lãi suất sẽ lại trở thành tâm điểm của thị trường”.