Trái ngược với Mỹ, giảm phát vẫn đeo bám nền kinh tế Trung Quốc trong tháng 3
Giá tiêu dùng của Trung Quốc hầu như không tăng so với một năm trước vào tháng 3, trong khi giá công nghiệp tiếp tục sụt giảm. Cả hai cho thấy áp lực giảm phát vẫn là mối đe doạ lớn tới quá trình phục hồi của nền kinh tế tỷ dân.
Cụ thể, theo báo cáo do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào ngày 11/4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính trung vị của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg là 0,4%.
Hồi tháng 2, thời điểm người dân Trung Quốc ăn mừng Tết Nguyên đán, CPI tăng 0,7% so với một năm trước, đánh dấu lần đầu tiên thước đo này vươn lên khỏi mốc 0 trong 6 tháng.
CPI lõi tháng 3 (thước đo không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) đi lên 0,6% so với cùng kỳ nhưng chững lại so với mức 1,2% của tháng 2.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) sụt 2,8% so với một năm trước, qua đó kéo dài chuỗi giảm sang tháng thứ 18 liên tiếp. Đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2016.
Theo ghi nhận của Bloomberg, trái phiếu chính phủ Trung Quốc không biến động mấy sau bản báo cáo, nhưng thị trường chứng khoán giảm điểm.
Các số liệu mới cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang chật vật duy trì tốc độ chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục khủng hoảng và thị trường việc làm còn yếu.
Vài tuần trước, các báo cáo xuất khẩu và sản lượng công nghiệp vượt kỳ vọng đã giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan của công chúng về khả năng Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay là khoảng 5%.
Song, một số chuyên gia lo ngại rằng các thước đo lạm phát tháng 3 có thể ảnh hưởng đến tâm lý lạc quan đó.
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng của ANZ Banking Group tại thị trường Trung Quốc, Hong Kong và Macau, cho biết: “Dữ liệu giá cho thấy rõ ràng rằng nhu cầu trong nước vẫn yếu”.
Trong một cuộc trao đổi khác với Bloomberg, ông Zhang Zhiwei, Giám đốc cấp cao tại Pinpoint Asset Management, nhận xét: “Dữ liệu lạm phát CPI gây ngạc nhiên khi tăng tốc ở Mỹ và giảm tốc ở Trung Quốc”.
Theo vị giám đốc, các số liệu trên chứng tỏ lập trường chính sách tiền tệ ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ tiếp tục trái chiều nhau.
Lạm phát hạ nhiệt dần cũng có thể gây thêm áp lực lên Bắc Kinh, buộc chính phủ phải bơm thêm kích thích cho nền kinh tế.
Giá cả đi xuống bóp nghẹt biên lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến họ ngần ngại đầu tư. Ngoài ra, giảm phát còn có rủi ro khiến người tiêu dùng hạn chế mua sắm vì họ dự đoán hàng hoá sẽ rẻ hơn trong tương lai.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thừa nhận nhu cầu yếu là một vấn đề và đã thực hiện một số bước để giải quyết bài toán này, bao gồm kế hoạch trợ cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp muốn nâng cấp thiết bị hoặc máy móc. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn không muốn kích thích quy mô lớn.
Trong một dấu hiệu cho thấy giảm phát có thể tiếp ám ảnh nền kinh tế tỷ dân trong những tháng tới, tình trạng cạnh tranh về giá ở một số lĩnh vực đã gia tăng trong thời gian gần đây.
Các công ty sản xuất vật liệu xây dựng như các nhà máy kẽm buộc phải hạ giá bán vì dư thừa công suất. Các hãng xe điện cũng chiết khấu mạnh tay để thu hút khách hàng, theo Bloomberg.