|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chuyện lạ ở Trung Quốc: Không phải xe cộ, quần áo mới là thứ đang thúc đẩy nhu cầu xăng dầu

14:44 | 07/04/2024
Chia sẻ
Ngày nay, mức tiêu thụ xăng dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phụ thuộc nhiều vào quần áo hơn là xe cộ.

(Hình minh họa: Shutterstock). 

Giải thích nghịch lý

Nếu nghe chia sẻ từ các lãnh đạo trong ngành dầu mỏ, nhiều người rất dễ lầm tưởng rằng lĩnh vực giao thông vận tải Trung Quốc, hay nói cụ thể hơn chính là những lái xe và khách hàng của các hãng hàng không, đang giải cứu thị trường năng lượng.

Trao đổi với Bloomberg, CEO Jeremy Weir của tập đoàn Trafigura (một trong những doanh nghiệp kinh doanh dầu lớn nhất thế giới) nói: “Báo cáo từ các nhân viên Trung Quốc của tôi cho thấy nhu cầu dầu đang có triển vọng rất tốt. Các nhà hàng, cửa hiệu chật cứng khách và tôi nghĩ lượng du lịch quốc tế cũng sẽ tăng mạnh”.

Ông Russell Hardy, CEO công ty kinh doanh hàng hóa và năng lượng Vitol, nhận định triển vọng của xe điện đã suy yếu đáng kể, do đó phải đến thập niên 2030 thì lượng tiêu thụ dầu thô mới đạt đỉnh. Hai vị CEO đưa ra những bình luận trên tại hội thảo năng lượng toàn cầu CERAWeek diễn ra hồi đầu tháng 3.

Điều đáng ngạc nhiên là chính các lãnh đạo doanh nghiệp dầu mỏ ở Trung Quốc lại là người xem nhẹ vai trò của ô tô và các phương tiện đi lại tới nhu cầu năng lượng tương lai nhất.

Ông Lu Ruquan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế & Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, ước tính xe điện sẽ khiến nhu cầu dầu thô giảm 20 triệu tấn trong năm 2024, tương đương 10% lượng tiêu thụ xăng và diesel của nước này.

Ông Dong Zhao, CEO công ty lọc dầu lớn nhất Trung Quốc Sinopec, cũng dự đoán sự trỗi dậy của xe điện sẽ khiến nhu cầu dành cho sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở Trung Quốc giảm 20 triệu tấn mỗi năm. Ông cảnh báo sau năm 2026, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ không thể tăng trưởng thêm nữa.

Để có thể lý giải sự mâu thuẫn đó, chúng ta cần phải hiểu rằng tiêu thụ dầu thô ở Trung Quốc ngày nay được thúc đẩy bởi hóa chất nhiều hơn là xe cộ. Điều này đồng nghĩa với việc là các công ty thời trang như Shein và Temu có vai trò quan trọng hơn những nhà sản xuất xe hơi như GM và Toyota.

*Hóa chất bao gồm hóa chất hữa cơ, phân bón, nhựa, cao su, tơ sợi tổng hợp và mảnh sợi tổng hợp. 

Khi mức tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc tăng lên, điều này đồng nghĩa rằng họ đang cố gắng chuyển lĩnh vực hóa dầu về nước, thay thế nhu cầu trước đây được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Vịnh Ba Tư và châu Âu.

Hiệu suất hoạt động của các nhà máy lọc dầu tư nhân tại tỉnh Sơn Đông - chuyên sản xuất dầu diesel cho xe tải, tàu sắt và máy phát điện - đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016, không kể khoảng thời gian bị phong tỏa vì COVID-19.

Ngược lại, một thế hệ các công ty lọc dầu mới như Rongsheng Petrochemical và Hengli Petrochemical đang đầu tư hàng tỷ USD để xây nhà máy chuyên về hóa chất thay vì xăng xe và dầu diesel.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), khoảng 90% mức tăng của nhu cầu dầu thô ở Trung Quốc trong giai đoạn 2021 - 2024 là dành cho các nguyên liệu hóa học như LPG, ethane và naphta. Nhu cầu dành cho xăng, nhiên liệu máy bay và dầu hỏa tăng rất ít.

 

Cạnh tranh khốc liệt

Trong giai đoạn 2018 - 2023, sản lượng sợi tổng hợp của Trung Quốc tăng 21 triệu tấn - đủ để sản xuất hơn 100 tỷ chiếc áo thun trong vòng một năm.

Nếu muốn tìm lời giải thích cho sự bền bỉ của “nhu cầu dầu thô Trung Quốc”, bạn nên nhìn vào mức tiêu thụ của thế giới đối với đồ nhựa và quần áo giá rẻ từ những công ty bán lẻ trực tuyến như Shein và Temu thay vì khách du lịch.

Các cơ sở hóa dầu bên ngoài Trung Quốc đang chứng kiến lợi nhuận bị ăn mòn bởi công suất thừa mứa. Tháng 11 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá lên hàng hóa Trung Quốc làm từ PET - loại nhựa có nguồn gốc từ polyetylen được sử dụng rộng rãi trong chai lọ.

 

Đầu tháng 3, công ty Thái Lan Indorama Ventures, nhà sản xuất PET lớn nhất thế giới, thông báo sẽ tách hai đơn vị có lợi nhuận cao nhất và tái cấu trúc hoạt động kinh doanh. Mục đích là đối phó với “những thay đổi cơ bản lâu dài trên thị trường hóa chất toàn cầu” trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc giảm sút.

Tại châu Âu, sự cạnh tranh từ làn sóng sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc đã trở thành rắc rối đối với các nhà sản xuất hóa chất, nghiêm trọng không kém gì sự mất mát của khí đốt giá rẻ từ Nga.

Ông Martin Brudermüller, Chủ tịch hãng hóa chất khổng lồ BASF, nói với các nhà đầu tư: “Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn vào Đức với quy mô lớn chưa từng thấy”.

Hiện tại các nhà máy bên ngoài Trung Quốc vẫn đang cố gồng lỗ và tiếp tục sản xuất, hy vọng rằng mức tiêu thụ nhựa toàn cầu rồi sẽ bắt kịp với nguồn cung. Nhưng theo tờ Bloomberg, không ai biết rằng bao giờ hoặc liệu điều này có thể xảy ra hay không.

Giang