Chuyên gia: Để kích thích kinh tế, Trung Quốc cần thuyết phục người dân tin giá nhà sẽ tăng
Cần một câu chuyện hay
Ông Richard Koo, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura, cho biết Trung Quốc cần thuyết phục người dân tin là giá nhà sắp tăng để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Phân tích của Goldman Sachs cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Trung Quốc khá hờ hững với việc vay thêm nợ mới trong giai đoạn đầu năm 2024. Trong khi đó, giá nhà vẫn tiếp tục giảm trong hai tháng đầu quý I. Nói cách khác, Trung Quốc có thể đang bước vào một cuộc “suy thoái bảng cân đối kế toán” giống như những gì ông Koo cảnh báo năm ngoái.
Suy thoái bảng cân đối kế toán xảy ra khi doanh nghiệp không đi vay dù lãi suất giảm xuống còn 0. Thay vào đó, doanh nghiệp lại tập trung trả nợ. Điều này thường xảy ra khi giá tài sản lao dốc nhưng nghĩa vụ nợ vẫn còn. Do đó, doanh nghiệp phải ra sức cải thiện bảng cân đối kế toán. Nhật Bản trước đây cũng đã trải qua thời kỳ suy thoái bảng cân đối kế toán.
Trao đổi với CNBC vào tuần trước, ông Koo nói: “Để người tiêu dùng và doanh nghiệp vay tiền trở lại, Trung Quốc cần một câu chuyện thuyết phục mọi người rằng giá nhà đã chạm đáy và sẽ bắt đầu đi lên từ đây”.
Nhưng trên thực tế, liệu giá nhà ở Trung Quốc đã tạo được đáy hay chưa là điều không ai có thể nói chắc. Ông Koo và các nhà phân tích chỉ ra giá nhà ở thị trường tỷ dân này vẫn chưa giảm nhiều như dự kiến.
Hãng đầu tư toàn cầu KKR dự đoán “cuộc điều chỉnh của thị trường nhà ở Trung Quốc có thể chỉ mới hoàn thành một nửa”. Báo cáo của KKR viết: “Chu kỳ thanh lọc chỉ có thể kết thúc khi giá cả lẫn khối lượng giao dịch chịu áp lực. Nhưng trong thị trường nhà ở Trung Quốc, cho đến nay chủ yếu mới chỉ có khối lượng giao dịch sụt giảm”.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố thị trường bất động sản đang trải qua giai đoạn “điều chỉnh”. Bắc Kinh nhấn mạnh vào những động lực thúc đẩy tăng trưởng mới như sản xuất và xe năng lượng sạch.
Bất động sản và các ngành liên quan chiếm ít nhất 20% nền kinh tế Trung Quốc, theo ước tính của các nhà phân tích. Thị trường địa ốc bắt đầu xuống dốc sau khi chính phủ Trung Quốc siết chặt chính sách để chấn chỉnh thói quen dựa dẫm vào nợ của các nhà phát triển bất động sản vào năm 2020.
- TIN LIÊN QUAN
-
‘Người không chịu đẻ, đất bán cho ai?’ 05/11/2023 - 10:00
Sự thay đổi này diễn ra đúng lúc thị trường đang hứng chịu cú sốc vì đại dịch COVID-19. Tệ hơn nữa, sau đó dân số Trung Quốc cũng bắt đầu sụt giảm.
Đây là điểm khác biệt lớn với Nhật Bản, bong bóng bất động sản của nước này bắt đầu đổ vỡ năm 1989 nhưng đến năm 2009 thì dân số mới quay đầu giảm.
Ông Koo chỉ ra: “Những yếu tố trên khiến việc thuyết phục mọi người rằng giá đã giảm đủ sâu, hãy vay tiền và mua nhà càng trở nên khó khăn hơn bởi giờ đây dân số đang thu hẹp lại”.
Bài học quá khứ
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% cho năm 2024. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu tham vọng này nếu không tung thêm biện pháp kích thích.
Cho tới nay, giới chức Trung Quốc vẫn ngần ngại hỗ trợ quy mô lớn cho nền kinh tế. Theo ông Koo, lý do là Bắc Kinh coi chương trình kích thích trước đây là sai lầm.
Khoảng 15 năm trước, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, Trung Quốc tung ra gói kích thích 4.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 563,4 tỷ USD).
Ông Koo thuật lại: “Khi đó, Trung Quốc đã suýt rơi vào suy thoái bảng cân đối kế toán. Nhưng một năm sau, Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng 12%”.
Vấn đề là Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì gói kích thích dù GDP đã tăng nhanh, dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và hoạt động đầu cơ trở nên phổ biến.
Nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura nói tiếp: “Đó là một trong những lý do lúc này Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn không muốn tung ra một gói kích thích lớn”.
Song, ông Koo vẫn cho là Trung Quốc nên kích thích nền kinh tế để tránh gặp phải suy thoái bảng cân đối kế toán và cắt giảm hỗ trợ một khi tốc độ tăng trưởng GDP đạt 12%. Ông kết luận: “Sau khi mọi người đi vay trở lại, các quan chức có thể giảm hỗ trợ, nhưng trước đó thì không”.