|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu, cư dân thành phố Ninh Ba của Trung Quốc sẽ biết đầu tiên

10:15 | 26/03/2024
Chia sẻ
Nhờ sự phục hồi của lĩnh vực xuất khẩu, thành phố Ninh Ba đang là một trong những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế Trung Quốc. Sự phụ thuộc vào các đơn đặt hàng từ phương Tây là rủi ro với thành phố này trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế vẫn rất khó đoán định.

Một nhà máy ở Ninh Ba. (Ảnh: Imago). 

Thành phố lạc quan nhất

Nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu, các cư dân ở Ninh Ba, Trung Quốc sẽ là những người đầu tiên biết chuyện. Trong hơn 40 năm qua, thành phố cảng này đã phát triển thành một trung tâm công nghiệp rộng lớn và đa dạng.

Các doanh nghiệp ở Ninh Ba sản xuất mọi thứ, từ vải vóc cho đến linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô. Hàng hóa của họ được xuất đi nước ngoài thông qua một trong những cảng nước sâu tấp nập nhất thế giới.

Ninh Ba cũng là thành phố có tầm quan trọng về mặt chính trị, được coi là hình mẫu của mô hình “thịnh vượng chung” - giải pháp khắc phục tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhờ hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ và nỗi lo suy thoái dịu xuống ở Mỹ, Ninh Ba còn là một trong những thành phố lạc quan nhất. Tại hầu hết những nơi khác ở Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng yếu đã khiến tâm trạng chung trở nên bi quan.

Dữ liệu chính thức công bố vào ngày 7/3 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm 2024 tăng vọt 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là con số cực kỳ ấn tượng bởi trước đó, một số nhà phân tích còn dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ chỉ đạt dưới 1%. Ngay cả kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 5% so với cùng kỳ sau khi sụt gần 7% trong tháng 12.

 

Những số liệu trên có tính khích lệ đến mức các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tiết lộ chúng một ngày trước kỳ công bố chính thức.

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi bầu không khí tại Ninh Ba tươi vui hơn những thành phố Trung Quốc khác. Dân địa phương nói với tờ Economist rằng một phần lý do khiến Ninh Ba tươi sáng hơn là do đại dịch COVID-19 ở thành phố cảng này không quá nghiêm trọng.

Hồi năm 2022, nhiều thành phố lớn của Trung Quốc từng bị phong toả trong hàng tháng trời. Nhưng Ninh Ba đã tránh được cảnh đó và rất ít nhà máy của thành phố phải đóng cửa, có lẽ là nhờ may mắn.

Khi Thượng Hải bị phong tỏa nghiêm ngặt vào tháng 4 và 5 năm đó, một số xe tải chuyên chở hàng hóa đã chuyển hướng sang bến cảng sầm uất của Ninh Ba.  

Tương lai bấp bênh

Tuy nhiên, các thành phố cảng như Ninh Ba có lẽ sẽ không thể trở thành đầu tàu để kéo nền kinh tế Trung Quốc đi lên. Ví dụ, sự sụt giảm của nhu cầu quốc tế có nguy cơ gây ra thiệt hại nặng nề đến thành phố.

Các nhà máy địa phương đã từng nếm trải tình cảnh này khi Trung Quốc mở cửa trở lại hồi đầu năm 2023. Khi đó, container rỗng chất đống tại các cảng ở Ninh Ba, báo hiệu sức mua của khách hàng nước ngoài thấp.

Khi một quan chức chính phủ đến thăm Ninh Ba vào tháng 3 năm ngoái, ông dự đoán thành phố này và các trung tâm xuất khẩu khác sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Nhưng may mắn là sự sụt giảm của nhu cầu chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Một số container trở nên dư thừa do đó là lần đầu tiên chúng quay trở lại Trung Quốc kể từ đầu đại dịch.

Các ông chủ nhà máy ở Ninh Ba có nỗi lo khác. Hàng nghìn nhà máy nơi đây chủ yếu là công ty gia đình nên việc xin tài trợ từ ngân hàng là điều hề không dễ dàng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất lớn tại những thành phố miền nam như Thâm Quyến lại được hưởng sự hỗ trợ từ chính phủ để nâng cấp công nghệ - ví dụ như robot như Internet Vạn vật (IoT). Các doanh nghiệp địa phương ở Ninh Ba đang cố gắng để theo kịp các đối thủ lớn, nhưng họ cũng phải thừa nhận là việc này khá khó khăn.

Và mặc dù các dữ liệu xuất khẩu mới đều vượt kỳ vọng của giới phân tích, nguyên nhân giúp tình hình có vẻ được cải thiện rõ rệt là cơ sở so sánh của năm ngoái rất thấp. Các nhà phân tích tại ngân hàng HSBC dự đoán môi trường thương mại sẽ tiếp tục diễn biến khó lường.

Trong khi đó, nhu cầu cũng có sự thay đổi đáng kể. Dữ liệu gần đây cho thấy nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc của những thị trường châu Phi và Nam Mỹ đã tăng đáng kể, nhưng cầu từ những quốc gia giàu có hơn như Australia, Nhật Bản và châu Âu lại sụt giảm. Điểm sáng là nhu cầu của Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Ninh Ba sẽ xoay xở như thế nào? Vài thập kỷ trước, nhiều nhà sản xuất bắt đầu kinh doanh bằng việc cung ứng cho thương hiệu ngoại. Gần đây hơn, họ bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng ở các nước giàu thông qua các trang thương mai điện tử như Amazon của Mỹ hay Temu và Shein của Trung Quốc, theo Giáo sư Hing Kai Chan của Đại học Nottingham Ninh Ba Trung Quốc.

Gần như chắc chắn rằng những doanh nghiệp này chưa phát triển kênh bán hàng tương tự tại những thị trường đang tăng trưởng mạnh như châu Phi và Nam Mỹ. Nếu nhu cầu của các nước giàu lao dốc, những ngày tháng tươi đẹp của Ninh Ba rất có thể sẽ chấm dứt.

Thay vì phát triển con đường mới để tiến tới sự thịnh vượng, thành phố lạc quan của Trung Quốc vẫn đang đặt vận mệnh của mình vào khách hàng cũ là phương Tây.

Giang