|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Người Mỹ sắp không thể mua quần áo giá rẻ từ các nhà bán lẻ Trung Quốc như Shein?

14:04 | 14/03/2024
Chia sẻ
Các công ty Trung Quốc có thể cung cấp hàng thời trang giá rẻ cho người Mỹ nhờ việc tận dụng một quy tắc thương mại. Tuy nhiên, các nhà lập pháp ở Washington có ý định loại bỏ quy tắc này để bảo vệ doanh nghiệp nội địa.

Công nhân may quần áo cho Shein tại Quảng Châu, Trung Quốc. (Ảnh: Wall Street Journal). 

Tâm lý chuộng đồ rẻ

10 năm trước, Lindsey Puls là một giáo viên trẻ với mức lương khó có thể nói là nhiều nhặn, bởi cô chỉ được dạy thay khi các thầy cô khác vắng mặt.

Do đó, cô gái người Mỹ rất vui mừng khi phát hiện thế giới thời trang của Shein và mức giá siêu thấp trên nền tảng. Cô Puls có thể mua áo với giá vài USD, váy dưới 10 USD và được miễn phí vận chuyển với đơn hàng trên 29 USD.

Trên trang blog cá nhân, cô Puls và nhiều influencer khác chụp ảnh các bộ quần áo giá rẻ nhưng hợp thời trang lên mạng xã hội Instagram và TikTok, giúp Shein trở nên nổi tiếng. Shein hiện là nhà bán lẻ thời trang nhanh hàng đầu ở Mỹ.

Cô Puls bình luận: “Quần áo của Shein có thiết kế khá tốt so với mức giá và mẫu mã cực kỳ đa dạng. Tại Mỹ, tâm lý của mọi người là ‘có càng nhiều càng tốt’. Cùng một số tiền bỏ ra, người ta thường muốn mua nhiều quần áo nhất có thể”.

Làm cách nào mà hàng thời trang từ bên kia Thái Bình Dương sang Mỹ lại rẻ đến vậy? Theo tờ Fortune, câu trả lời liên quan đến quy tắc thương mại gọi là “de minimis”, cho phép hàng nhập khẩu có giá trị dưới 800 USD được miễn thuế khi vào Mỹ, miễn là chúng được đóng gói và gửi đến người mua cá nhân.

Mỹ đang để mắt tới quy tắc đó, trong bối cảnh hoạt động mua sắm trực tuyến toàn cầu bùng nổ. Các nhà lập pháp đang đánh giá xem de minimis có giúp các nhà sản xuất trốn tránh thuế quan và phớt lờ luật cấm nhập khẩu các sản phẩm ma túy hoặc vật liệu không an toàn hay không.

Tuần trước, một nhóm gồm 40 nhà lập pháp đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Alexander Mayorkas kiểm soát lượng hàng hoá được hưởng quy tắc de minimis, với lý do chúng tạo điều kiện cho việc vận chuyển những loại ma túy chết người như fentanyl vào Mỹ.

Hạ nghị sĩ Earl Blumenauer, thành viên cấp cao thuộc tiểu ban thương mại của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện, đề xuất loại Trung Quốc và một số nền kinh tế khác khỏi quy tắc nói trên. Ông Blumenauer tuyên bố: “Lỗ hổng de minimis đe dọa năng lực cạnh tranh của Mỹ và sự an toàn của người tiêu dùng”.

Thượng viện cũng đang cân nhắc một dự luật khác. Các nhà lập pháp đứng sau dự luật này khuyến nghị chính phủ nên bổ sung tính "có qua có lại" vào quy tắc. Ví dụ, Trung Quốc đang giới hạn de minimis ở mức khoảng 7 USD. 

Song, không ít người đang ủng hộ quy tắc de minimis. Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ (NFTC) khẳng định hạn chế quy tắc này sẽ khiến việc mua hàng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ trở nên đắt đỏ hơn. NFTC ước tính chi phí của đơn hàng có giá 50 USD sẽ tăng gấp đôi.

Thành viên của NFTC bao gồm các hãng vận tải lớn như FedEx, UPS, DHL và những ông lớn ngành bán lẻ trực tuyến như Amazon và eBay. 

Hàng hoá giá trị thấp ồ ạt vào Mỹ

Quy tắc de minimis được đặt ra vào năm 1938 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc luân chuyển các gói hàng nhỏ có giá trị không quá 5 USD, tương đương khoảng 106 USD ngày nay.

Mỹ nâng giới hạn lên thành 200 USD vào năm 1994 và 800 USD năm 2016. Vào thời điểm đó, Thượng nghị sĩ John Thune nói sự thay đổi sẽ “cho phép thêm nhiều người Mỹ tham gia vào thương mại toàn cầu”. 

Năm 2023 là lần đầu tiên hơn 1 tỷ gói hàng theo diện de minimis được thông quan ở Mỹ, cao hơn hẳn mức 134 triệu gói hồi năm 2015. Theo dữ liệu của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, Trung Quốc là nguồn cung lớn nhất của những bưu kiện này.  

Bà LaFonda Sutton-Burka, Giám đốc văn phòng Chicago của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, chỉ ra: “Số gói hàng de minimis đã tăng xấp xỉ 646% chỉ trong hơn 8 năm”.

Báo cáo tháng 6/2023 của Quốc hội Mỹ phát hiện, chỉ riêng Shein và Tenmu - nhà bán lẻ trực tuyến quần áo và hàng gia dụng Trung Quốc - đã chiếm hơn 30% gói hàng được chuyển vào Mỹ theo diện de minimis.

Theo tính toán của ông Charles Benoit, cố vấn thương mại của Liên minh vì nước Mỹ thịnh vượng, viêc bãi bỏ quy tắc de minimis có thể khiến mỗi giao dịch thương mại điện tử tốn thêm 20 - 30 USD. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp như Shein và Temu không thể bán hàng cho người Mỹ với mức giá thấp như hiện nay.

Xuất khẩu của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% vào năm ngoái, nhưng điểm sáng là thương mại điện tử xuyên biên giới, bao gồm các bưu kiện de minimis.

Doanh thu từ việc bán hàng trực tuyến tăng gần 20% trong năm 2023 lên 1.830 tỷ nhân dân tệ, chiếm gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 1/3 hàng hóa Trung Quốc được mua trực tuyến và vận chuyển quốc tế vào năm 2022 - năm có số liệu hải quan gần nhất. 

Giang