Trung Quốc nỗ lực ‘nâng cấp’ nền kinh tế, công nghệ là ưu tiên hàng đầu
Vai trò quan trọng
Năm nay, Trung Quốc sẽ tăng vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ thêm 10% trong bối cảnh giới lãnh đạo nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế và đối phó với các hạn chế do phương Tây áp đặt.
Theo báo cáo ngân sách sơ bộ được công bố tại phiên họp quốc hội hôm 5/3, Bắc Kinh sẽ chi 379,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 52,7 tỷ USD) cho lĩnh vực này.
Khoa học và công nghệ giữ vai trò quan trọng chưa từng có trong ngân sách của Trung Quốc năm nay. Tính theo tỷ lệ phần trăm, đây là lĩnh vực có mức tăng ngân sách lớn nhất trong các khoản chi tiêu chính của chính phủ, hơn quốc phòng, an ninh công cộng, ngoại giao và giáo dục.
Ông Âm Hòa Tuấn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết con số 379,8 tỷ nhân dân tệ chỉ bằng một phần nhỏ tổng chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu và phát triển - tức bao gồm tiền của khu vực tư nhân và nhà nước. Năm ngoái, số tiền này vượt quá 3.300 tỷ nhân dân tệ.
Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết nếu tính theo đồng USD, Trung Quốc là quốc gia chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển lớn thứ hai thế giới, xếp sau Mỹ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc dự định phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế 05/03/2024 - 14:04
Bộ Tài chính nhấn mạnh một số lĩnh vực khác sẽ bị hạn chế về mặt ngân sách, nhưng chi tiêu cho khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục được “đảm bảo” do có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.
Thủ tướng Lý Cường tuyên bố chính phủ sẽ phát hành trái phiếu đặc biệt kỳ hạn siêu dài hàng năm để tài trợ cho các chiến lược trọng yếu của quốc gia và tăng cường năng lực an ninh trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển quan trọng. Trong năm 2024, Trung Quốc dự định phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ loại trái phiếu này.
Khoa học và công nghệ đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh trong bối cảnh các nước phương Tây cố gắng ngăn cản Trung Quốc tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất.
Trong báo cáo công tác, ông Lý cho hay: “Môi trường bên ngoài ngày càng ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc. Chúng ta nên tạo điều kiện cho sự đổi mới được tự do phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa mới bằng việc tạo ra sự đổi mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ”.
Báo cáo chỉ ra một số lĩnh vực sẽ trở thành động cơ tăng trưởng trong tương lai, bao gồm sản xuất sinh học và hàng không vũ trụ thương mại.
Bộ trưởng Âm nói với các phóng viên rằng tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển năm 2023 tăng 8,1% so với năm trước, chiếm 2,64% GDP. Các khoản đầu tư này đã tạo ra thành quả đáng ghi nhận. Theo ông Âm, các nhà khoa học Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong các lĩnh vực như thông tin lượng tử, mạch tích hợp, trí tuệ nhân tạo và y sinh.
Ông cũng lưu ý về tốc độ tăng trưởng “ấn tượng” của hoạt động xuất khẩu phương tiện sử dụng năng lượng mới, pin lithium và pin mặt trời.
Chiến lược dài hạn
Ông Sun Yutao, giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Công nghệ Đại Liên, cho biết việc chính phủ tiếp tục đầu tư vào khoa học và công nghệ bất chấp nền kinh tế sa sút cho thấy đây là lĩnh vực được ưu tiên.
Và bất chấp các áp lực từ bên ngoài, ông Sun tin rằng sự tập trung vào khoa học và công nghệ được thúc đẩy nhiều hơn bởi các yếu tố trong nước.
Ông giải thích: “Trung Quốc đang trải qua quá trình nâng cấp cơ cấu nền kinh tế. Để tạo ra bước nhảy vọt mới về năng suất, đổi mới khoa học và công nghệ phải là động lực chính”.
Người có cùng quan điểm với giáo sư Sun là ông Mu Rongping, Giám đốc Trung tâm Đổi mới và Phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ông Mu đánh giá rằng chi tiêu cho khoa học và công nghệ tăng lên sẽ có tác động to lớn lên khả năng phát triển lâu dài của Trung Quốc.
Ông bình luận: “Những đổi mới mang tính cơ bản và chiến lược tiềm ẩn rủi ro cao hơn và do đó đòi hỏi nhiều tiền đầu tư hơn từ chính quyền trung ương”. Ông dự đoán các chính quyền địa phương và khu vực kinh tế tư nhân cũng sẽ tăng cường tài trợ cho khoa học và công nghệ.