|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Máy bay do Trung Quốc sản xuất đắt khách tại triển lãm hàng không Singapore

16:50 | 21/02/2024
Chia sẻ
Máy bay COMAC C919 do Trung Quốc sản xuất đã có màn ra mắt quốc tế đầu tiên tại Triển lãm Hàng không Singapore.

Một chiếc COMAC C919 bay trong buổi trình diễn tại Triển lãm Hàng không Singapore. (Ảnh: Reuters). 

Máy bay Trung Quốc đắt khách

Singapore vừa khai mạc triển lãm hàng không lớn nhất châu Á vào ngày 20/2. Hai nhà sản xuất máy bay COMAC của Trung Quốc và Boeing của Mỹ đều nhận được những đơn đặt hàng lớn.

Hơn 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia đang tham dự Triển lãm Hàng không Singapore, sự kiện được tổ chức hai năm một lần tập trung vào yếu tố thương mại và quốc phòng. Dẫn đầu sự kiện là các gã không lồ phương Tây như Airbus, Boeing, Lockheed Martin và các đối thủ đến từ Trung Quốc như COMAC và AVIC.  

Các doanh nghiệp Nga như Russian Helicopters và Irkut từng tham gia trước đây nhưng vắng mặt vào năm nay trong bối cảnh chiến sự với Ukraine vẫn tiếp diễn.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Israel như Israel Aerospace Industries và Rafael Advanced Defense Systems vẫn góp mặt dù nước này đang giao tranh với lực lượng Hamas ở Gaza và không tham dự triển lãm Dubai Airshow hồi tháng 11/2023.

Đại diện của các hãng đã xem màn trình diễn của những chiếc máy bay quân đội từ Ấn Độ, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc và Mỹ, cũng như máy bay thương mại COMAC C919 của Trung Quốc và chiếc Airbus A350-1000 hoạt động bằng 35% nhiên liệu hàng không bền vững.

Đây là lần đầu tiên COMAC mang chiếc máy bay chở khách thân hẹp C919 do họ phát triển ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Vào sáng ngày 20/2, COMAC đã công bố những đơn hàng đầu tiên.

Hãng hàng không Tibet Airlines của Trung Quốc đang hoàn tất đơn đặt hàng cho 40 chiếc C919 và 10 chiếc máy bay nhỏ hơn ARJ21. Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hàng không Dân dụng Hà Nam cũng đặt mua 6 chiếc ARJ21.

Sau đó, Royal Brunei Airlines thông báo đặt 4 chiếc Boeing 787-9 Dreamliners. Thai Airways cũng đặt mua 45 chiếc máy bay từ Boeing. 

Tới cuối năm 2023, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đã phục hồi gần như hoàn toàn về mức trước đại dịch.

Ông Steven Townend, CEO công ty cho thuê máy bay BOC Aviation có trụ sở tại Singapore, cho biết: “Chúng tôi dự đoán 2024 sẽ là năm ngành hàng không thực sự bình thường trở lại. Ngành hàng không đang tăng trưởng, các hãng bay trên thế giới lại kiếm được tiền. Chúng tôi rất lạc quan vào năm 2024”.

Phi đội "Đại bàng đen" của Hàn Quốc trình diễn dòng máy bay T-50. (Ảnh: Reuters). 

Rắc rối chuỗi cung ứng

Các nhà sản xuất máy bay, động cơ và nhà cung ứng khác đã phải rất vất vả để theo kịp sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu sau đại dịch. Hơn ba năm trước, COVID-19 từng khiến quá trình vận chuyển hàng hoá, việc làm và nhân sự bị ảnh hưởng nặng nề. 

Đặc biệt, Boeing còn đang bị theo dõi sát sao sau sự cố máy bay bung thân giữa trời vào ngày 5/1. Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã thực hiện động thái chưa từng có là đóng băng sản lượng dòng máy bay 737 MAX ở mức 38 chiếc/tháng.

Trong tháng này, Airbus thông báo hãng phải tiếp tục trì hoãn việc đưa mẫu máy bay A321XLR vào phục vụ thương mại từ quý II sang quý III. Các nhà cung cấp nói với Reuters rằng Airbus đang sản xuất khoảng 50 máy bay dòng A320neo mỗi tháng, thấp hơn kế hoạch đưa ra hồi cuối năm 2023 là 58 chiếc.

Ông Christian Scherer, CEO công ty con phụ trách mảng kinh doanh thương mại máy bay của Airbus, chia sẻ: “Việc tăng cường sản lượng đang gây áp lực lên mọi bộ phận của chuỗi cung ứng. Nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết chúng”. Ông nói thêm rằng Airbus đã cử vài chục kỹ sư chuỗi cung ứng để tháo gỡ các nút thắt.

Khó khăn trong khâu sản xuất khiến các hãng hàng không khó thay thế máy bay cũ bằng các mẫu tiết kiệm nhiên liệu hơn. Ngành hàng không đang cố gắng đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Các hãng bay cũng đang tìm cách mua càng nhiều nhiên liệu hàng không bền vững càng tốt để giảm lượng khí thải carbon, mặc dù chúng đắt gấp 5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.