|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cận cảnh máy bay 'Made in China' lần đầu xuất ngoại

13:23 | 21/02/2024
Chia sẻ
Comac lần đầu mang tàu bay C919 ra mắt ở một sự kiện quốc tế tại Singapore Airshow 2024 trong bối cảnh Boeing, Airbus tham gia khá hạn chế.

 

Tập đoàn Máy bay Thương Mại Trung Quốc (Comac) lần đầu tiên mang chiếc C919 ra trình làng tại Singapore Airshow 2024 - triển lãm hàng không lớn nhất châu Á. Đây cũng là lần đầu tiên mẫu máy do Comac tự thiết kế, sản xuất từ năm 2008 ra khỏi Trung Quốc.

C919 có chiều dài gần 39 m, sức chứa 168 hành khách, tầm bay tối đa 4.075 km.

Tàu bay C919 được trưng bày tại sự kiện thuộc biên chế của China Eastern - hãng bay Trung Quốc đầu tiên nhận bàn giao mẫu máy bay thân hẹp này. Hãng vận hành chuyến bay thương mại đầu tiên với tàu bay này hồi giữa năm ngoái, chở theo 130 hành khách từ Thượng Hải đi Bắc Kinh.

 

Ở hai bên thân tàu bay này đều có dòng chữ "The world's f1rst C919" - Chiếc C919 đầu tiên trên thế giới.

Sự kiện tại Singapore được đánh giá là cơ hội để C919 quảng bá hình ảnh ra bên ngoài, trong bối cảnh Airbus và Boeing tham gia khá hạn chế. Airbus chỉ thực hiện bay trình diễn với A350-1000, không có máy bay nào của dòng A320neo. Boeing cũng không mang máy bay thương mại đến Singapore, mà chỉ đưa theo máy bay quân sự.

 

Tàu bay do Trung Quốc sản xuất, nhưng vẫn sử dụng phần lớn linh kiện từ Mỹ, châu Âu. C919 sử dụng động cơ CFM International LEAP từ nhà sản xuất Mỹ và Pháp. Động cơ này cũng được sử dụng trên tàu bay Airbus A320 neo.

 

Thiết kế ở phần đầu của C919 cũng khá giống với dòng tàu bay thân hẹp A320. Hệ thống thông tin liên lạc, định vị được lắp đặt tại phần đầu máy bay Comac từ nhà cung cấp Rockwell Collins (Mỹ). Ngoài ra, máy bay cũng có một số bộ phận khác từ các nhà sản xuất của Mỹ như bánh và phanh (Honeywell), vỏ nhôm thân máy bay (Acronic), hộp đen (GE).

 

Tuy nhiên, phần đuôi và 4 cánh máy bay của C919 do Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc (AVIC) cung cấp. Đây cũng là một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc chuyên sản xuất các trang thiết bị quân sự, hàng không.

 

Comac chưa cho khách thăm quan bên trong máy bay. Theo những hình ảnh công bố trước đó, máy bay này có cấu hình ghế tương tự các mẫu Boeing 737 Max và Airbus A320/321 với một lối đi ở giữa và hai hàng ghế (mỗi bên 3 chiếc).

Theo Comac, hãng đã nhận hơn 1.000 đơn đặt hàng C919, trong đó hầu hết là từ các hãng hàng không Trung Quốc.

 

Ngoài C919, Comac cũng mang đến Singapore Airshow 2024 tàu bay phản lực khu vực ARJ21. Nhà sản xuất Trung Quốc phát triển ARJ21 với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ từ năm 2002. Năm 2008, mẫu này bay thử lần đầu và hoạt động thương mại từ năm 2016. Đây là mẫu máy bay đầu tiên của Trung Quốc tự sản xuất được vận hành thương mại. ARJ21 có 78 đến 90 ghế, tương đương với dòng máy bay phản lực khu vực của Mitsubishi.

 

Máy bay này thuộc biên chế của Air Central. Tại sự kiện ở Singapore, Comac cho biết đã nhận thêm đơn hàng 40 chiếc C919 và 10 chiếc phản lực ARJ21 từ hãng bay Trung Quốc Tibet Airlines. ARJ-21 đã hoạt động tại Indonesia. Tuy nhiên, C919 vẫn chưa có khách hàng quốc tế nào.

 

Phía bên trong triển lãm, gian trưng bày của Comac cũng thu hút sự quan tâm lớn, nhất là từ giới truyền thông phương Tây.

 

Comac trưng bày nhiều mô hình tàu bay, trong đó có mẫu C929 - tàu bay thân rộng để bay xuyên lục địa đang được hãng này phát triển. Đây là tham vọng lớn của Comac để cạnh tranh với Boeing, Airbus dù các máy bay đã có của hãng này chưa được cấp chứng nhận tại Mỹ, châu Âu.

 

Gian trưng bày của Comac nằm chính giữa trung tâm triển lãm, ngay cạnh Airbus và có phần còn nổi bật hơn Boeing. Bên lề sự kiện hôm qua (20/2), CEO Airbus Christian Scherer nói rằng coi C919 là một đối thủ cạnh tranh, nhưng ông không quá lo lắng về điều này.

 

Bên cạnh Comac, một số nhà sản xuất Trung Quốc cũng có gian trưng bày tại triển lãm này. Trong ảnh là các mô hình máy bay chiến đấu, cứu hộ của Tập đoàn Công nghệ Hàng không Trung Quốc (AVIC). Hãng này cũng chuyên sản xuất các loại máy bay thể thao.

Anh Tú