|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường máy bay cũ bùng nổ sau khủng hoảng Boeing 737 MAX

03:00 | 03/02/2024
Chia sẻ
Việc hạn chế sản xuất của Boeing sau sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines đã tạo thêm áp lực buộc các hãng hàng không phải bay với những chiếc máy bay cũ lâu hơn.

Khủng hoảng Boeing 737 MAX khiến thị trường máy bay cũ bùng nổ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường máy bay cũ đang bùng nổ do tình trạng thiếu hụt kéo dài dai dẳng kể từ đại dịch COVID-19, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng mới nhất của Boeing có thể làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng tới.

Công ty cho thuê máy bay Avolon cho biết lĩnh vực này hiện thiếu khoảng 3.000 máy bay so với kế hoạch trước dịch bệnh do tình trạng gián đoạn của đại dịch và các điểm nghẽn khác tại Boeing và Airbus.

Giờ đây, việc hạn chế sản xuất của Boeing sau sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines đã tạo thêm áp lực buộc các hãng hàng không phải bay với những chiếc máy bay cũ lâu hơn.

Nhà phân tích George Dimitroff của công ty phân tích hàng không Cirium cho biết tình hình hiện nay làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung và đẩy lùi thời điểm thị trường có thể quay trở lại trạng thái cân bằng.

Các hãng hàng không đang trả giá cao hơn để đảm bảo họ có đội bay đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu mà Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự kiến sẽ đạt kỷ lục 4,7 tỷ lượt hành khách vào năm 2024.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung máy bay đã trở thành chủ đề nóng tại một cuộc họp quan trọng trong tuần này ở Dublin, Ireland, quê hương của nhiều hãng cho thuê máy bay hàng đầu.

 

Giám đốc điều hành của AerCap, ông Aengus Kelly, cho biết một số hãng hàng không đang mua lại những chiếc máy bay mà họ thuê thay vì đàm phán gia hạn hợp đồng thuê. Đó là dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không biết rằng những vấn đề mà thị trường gặp phải sẽ không được giải quyết sớm.

Hơn 50% đội tàu bay chở khách toàn cầu thuộc sở hữu của bên cho thuê. Giá cho thuê những chiếc máy bay này đã tăng cao trước khi xảy ra sự cố của hãng Alaska Airlines vào ngày 5/1, khiến hoạt động sản xuất của Boeing bị hạn chế.

Cirium cho biết giá thuê thông thường đối với một chiếc Boeing 737-800 10 năm tuổi, trước dòng MAX, là khoảng 220.000 USD mỗi tháng trong tháng 1/2024, tăng từ mức 183.000 USD trong tháng 1/2023 và mức 156.000 USD/tháng trong năm 2022.

Hóa đơn cho thuê 737-800 hiện tại vẫn thấp hơn 5% so với mức tháng 1/2020, nhưng Cirium cho biết điều đó sẽ thay đổi vào cuối tháng 3/2024.

Trước đây, Boeing hy vọng có thể đẩy mạnh sản xuất dòng máy bay MAX sau cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm sau các sự cố vào năm 2018 và 2019. Tuy nhiên, sự cố mới nhất trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines đã khiến các cơ quan quản lý siết chặt giám sát sẽ làm chậm tốc độ sản xuất.

Cirium cho biết tuổi thọ trung bình của máy bay chở khách của hãng hàng không là 16 năm trong năm 2024, tăng từ mức 14 năm trong năm 2019. Các chuyên gia cho biết máy bay thường được sử dụng trong 25 năm, nhưng có thể bay lâu hơn và an toàn như máy bay mới nếu được bảo dưỡng đúng quy trình.

 

Giám đốc điều hành Avolon Andy Cronin cho biết các hãng hàng không, các nhà cho thuê đang quyết định đầu tư vào việc bảo trì các máy bay cũ hơn để duy trì hoạt động của những chiếc máy bay cũ này thêm 4 hoặc 5 năm nữa.

Trong khi việc chậm trễ bàn giao máy bay mới đã gây tổn hại cho các hãng hàng không và bên cho thuê đang chờ máy bay mới, thì nhu cầu về máy bay cũ hơn mở ra một con đường sinh lợi tiềm năng cho những hãng có đội bay cũ hơn.

 

Trong khi đó, các công ty bảo trì sẽ được hưởng lợi nhờ việc bão dưỡng các máy bay cũ, nhờ đó thu hút được nhiều lượt ghé thăm cửa hàng hơn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động đồng nghĩa với việc chờ đợi sửa chữa sẽ kéo dài hơn.

Việc siết chặt quản lý máy bay chở khách là một vấn đề đau đầu đối với hàng hóa hàng không, khi vận chuyển hơn 30% giá trị thương mại của thế giới.

Thông thường, máy bay chở khách cuối cùng thường sẽ được chuyển đổi sang vận tải hàng hóa hoặc được tháo dỡ để lấy các bộ phận. Tuy nhiên, ông Robert Convey, Phó chủ tịch cấp cao của Aeronautical Engineers có trụ sở tại Florida, cho biết các công ty dự kiến sẽ tìm được ít máy bay chở khách hơn để chuyển đổi.

 

Việc kéo dài tuổi thọ của những chiếc máy bay cũ, kém tiết kiệm nhiên liệu hơn cũng có thể làm tăng áp lực về vấn đề môi trường lên ngành hàng không đang nỗ lực tạo ra lượng khí thải bằng 0 vào năm 2050.

Các quan chức trong ngành cho biết việc sản xuất bị đình trệ sẽ không làm chệch hướng những mục tiêu đó, song các nhà môi trường không đồng tình với ý kiến này.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.