|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Fitch hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc xuống tiêu cực

10:10 | 11/04/2024
Chia sẻ
Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống tiêu cực do các rủi ro liên quan đến hệ thống tài chính công của nước này.

Lá cờ Trung Quốc tung bay ở một khu phố mua sắm ở Bắc Kinh. (Ảnh: Reuters).

Hôm 10/4, Fitch Ratings đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm nợ của chính phủ Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Fitch đề cập đến các rủi ro đối với tài chính công mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt khi chuyển đổi sang các mô hình tăng trưởng mới.

“Nhìn từ góc độ xếp hạng, thâm hụt tài khoá lớn hơn và nợ chính phủ gia tăng trong những năm gần đây đã làm xói mòn bộ đệm tài chính của Trung Quốc”, Fitch cho hay.

Dù hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm, Fitch vẫn giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành nợ của Trung Quốc ở mức A+. Đây là mức xếp hạng cao thứ ba trong thang đánh giá của hãng này.

S&P Global Ratings, một cơ quan xếp hạng toàn cầu lớn khác, cũng đánh giá nợ của chính phủ Trung Quốc ở mức A+, tương đương xếp hạng A1 hiện tại của Moody’s.

Động thái của Fitch diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi yếu ớt của nền kinh tế bằng các biện pháp tài khoá và tiền tệ. Trước đó, Moody’s cũng có động thái tương tự vào tháng 12 năm ngoái.

Fitch dự kiến khối nợ trên bảng cân đối kế toán của chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc sẽ tăng lên tương đương 61,3% GDP vào năm 2024. Tỷ lệ tương ứng vào năm 2023 và 2019 (trước đại dịch) là 56,1% và 38,5%.

Fitch còn ước tính thâm hụt ngân sách chung của chính phủ Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 7,1% GDP vào năm 2024, từ mức 5,8% vào năm 2023.

Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Trung Quốc từng vọt lên mức cao 8,6% vào năm 2020, khi các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt của Bắc Kinh gây căng thẳng cho nền kinh tế.

Trong khi đó, Trung Quốc đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách năm nay ở mức 3% GDP, giảm so với con số 3,8% vào năm ngoái. Quan trọng là Bắc Kinh có kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 138,3 tỷ USD) trái phiếu siêu dài hạn để kích thích nền kinh tế.

Hạn ngạch phát hành trái phiếu đặc biệt cho chính quyền các địa phương được đặt ở mức 3.900 tỷ nhân dân tệ, giảm so với khoảng 3.800 tỷ USD vào năm ngoái.

Theo báo cáo của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ nợ nói chung trên GDP của nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới là 287,8% vào năm 2023 - cao hơn 13,5 điểm % so với một năm trước.

Chia sẻ với Reuters, ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế cấp cao của Natixis khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay: “Việc điều chỉnh của Fitch phản ánh những thách thức lớn hơn trong nền tài chính công của Trung Quốc khi nước này gặp phải hai rủi ro là tăng trưởng chững lại và khối nợ phình to hơn”.

Vị chuyên gia nói điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ sớm vỡ nợ, nhưng động thái của Fitch có thể tác động tiêu cực đến một số LGFV (công cụ tài trợ của chính quyền nhiều địa phương Trung Quốc).

 

 

Khủng hoảng bất động sản kéo dài đã đè nặng lên các chính quyền địa phương đang nặng gánh nợ nần, do doanh thu từ hoạt động bán đất sụt giảm, khiến mức nợ của nhiều thành phố trở nên không bền vững.

Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chững lại từ mức 5,2% năm ngoái xuống 4,5% vào năm nay, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế kỳ vọng GDP của đất nước tỷ dân này sẽ tăng 4,6% trong năm nay.

Theo Reuters, báo cáo mới của Fitch xuất hiện ở thời điểm có các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc có thể đang lấy lại đà. Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đều vượt dự báo trong hai tháng đầu năm, sau đó là số liệu xuất khẩu và lạm phát tiêu dùng tốt hơn mong đợi.

Các số liệu đó đã củng cố hy vọng của Bắc Kinh rằng nước này có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mà các nhà phân tích mà giới chuyên gia cho là tham vọng. Tại cuộc họp cấp cao hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay trong khoảng 5%.

Khả Nhân