|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU siết kiểm tra tôm Ấn Độ

13:19 | 18/12/2018
Chia sẻ
Tất cả tôm xuất khẩu của Ấn Độ sang EU phải được Hội đồng Giám sát Xuất khẩu (EIC) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ phê chuẩn, mỗi cơ sở sản xuất có số đăng ký duy nhất.
eu siet chat kiem tra tom an do Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ kì vọng tương lai tươi sáng hơn

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tổng cục về Sức khỏe và An toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu đã công bố báo cáo kiểm định, đánh giá các biện pháp kiểm soát dư lượng kháng sinh, tạp chất trong động vật sống và các sản phẩm động vật, bao gồm các biện pháp kiểm soát các sản phẩm thuốc thú y, của Ấn Độ.

eu siet chat kiem tra tom an do
EU siết chặt kiểm tra tôm Ấn Độ

Theo báo cáo, tất cả tôm xuất khẩu của Ấn Độ sang EU phải được Hội đồng Giám sát Xuất khẩu (EIC) thuộc Bộ Công Thương Ấn Độ phê chuẩn, mỗi cơ sở sản xuất có số đăng ký duy nhất.

Để nhận được phê chuẩn xuất khẩu của EIC, các cơ sở này phải duy trì tiêu chuẩn HACCP (tiêu chuẩn phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) và được Cơ quan Giám sát Xuất khẩu thanh tra 3 tháng 1 lần.

EIC sẽ tập hợp các mẫu từ các cơ sở được phê chuẩn này để kiểm tra sự hiện diện của các kháng sinh, bao gồm chloramphenicol, nitrofuran metabolites và tetracyclines 6 tháng 1 lần.

Các nhà xuất khẩu tôm được EIC phê chuẩn chỉ có thể thu mua tôm từ các trại nuôi tôm có đăng ký với Cơ quan Phát triển Xuất khẩu các sản phẩm thủy sản Ấn Độ (MPEDA).

Ấn Độ có 60.000 trại nuôi trồng thủy sản đăng ký với MPEDA. Các trang trại này được xác định tọa độ bằng GPS và các sổ ghi chép mỗi vụ thu hoạch phải được giữ, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc cho xuất khẩu tôm sang EU đến tận ao nuôi gốc.

Đối với các trại nuôi trồng thủy sản có đăng ký với MPEDA, các mẻ tôm được lấy mẫu, kiểm tra sự hiện diện của chloramphenicol và 4 chất chuyển hóa nitrofuran trước khi được thu hoạch.

Chi phí kiểm tra do nông dân nuôi tôm chi trả và khả năng bán các mẻ tôm gắn liền với các kết quả kiểm tra trước thu hoạch. Các nhà máy chế biến tôm do EIC phê chuẩn sẽ cử nhân viên tới các trại nuôi có đăng ký với MPEDA để chứng kiến hoạt động thu hoạch và niêm phong các xe tải vận chuyển trước khi các lô hàng được vận chuyển tới nhà máy.

Ngoài ra, các nhà máy này sẽ kiểm tra chéo lượng tôm nhận được từ trại nuôi có đăng ký với MPEDA với sản xuất ước tính tại ao nuôi. Phê duyệt của EIC cũng yêu cầu một nhà máy chế biến phải giới hạn số trại nuôi/mẻ tôm trong một lô hàng xuất khẩu ở mức 4.

Hạn chế nguồn nguyên liệu thu mua này cho phép mẫu thử chính xác hơn, thuận lợi hơn cho các hoạt động kiểm tra về sau, và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc. Hơn nữa, trước khi xuất khẩu, nhân viên từ các phòng thí nghiệm EIC cũng tới thăm các cơ sở do EIC phê chuẩn, lấy mẫu để kiểm tra chloramphenicol, tetracycline, oxytetracycline, chlortetracycline, và các chất chuyển hóa nitrofurans.

Tất cả lô hàng xuất khẩu tôm từ Ấn Độ sang EU phải đính kèm các kết quả kiểm tra này. Tuy nhiên, EU vẫn yêu cầu kiểm tra bắt buộc đối với 50% tổng số lô hàng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ tại biên giới.

Các kiểm tra này tiếp tục phát hiện ra kháng sinh cấm có trong tôm Ấn Độ. Trong 10 tháng năm 2018, Hệ thống cảnh báo nhanh về Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi của EU đã phát hiện 13 lô hàng vi phạm nitrofurans trong tôm Ấn Độ.

Mặc dù các hệ thống kiểm soát hiện tại đang hỗ trợ khả năng truy xuất nguồn gốc, nhưng các cuộc điều tra của các nhà chức trách Ấn Độ vẫn không xác định được nguyên nhân của các vụ vi phạm.

Xem thêm

Đức Quỳnh