Minh Phú đặt mục tiêu sản xuất hơn 10.000 tấn tôm và 'tấn công' thị trường Trung Quốc
Nguồn ảnh: seafoodsource.com
Chia sẻ với trang tin thủy sản SeafoodSource, ông Quang cho biết, Minh Phú chỉ xuất khẩu 450 tấn (MT) tôm sang Trung Quốc năm 2018, trị giá 6 triệu USD (5,3 triệu EUR), khiêm tốn so với con số 305,7 triệu USD (273,4 triệu euro) mà công ty thu về từ việc bán vào thị trường Mỹ.
Điều này có thể sẽ thay đổi trong thời gian ngắn, vì ông Quang cho rằng thời điểm này vừa đủ thuận lợi để Minh Phú phát triển tại Trung Quốc. Người dân quốc gia này có thói quen tiêu thụ tôm khiến tiêu dùng ở Trung Quốc vượt qua bất kỳ thị trường lớn nào trên thế giới.
Ông Quang cho biết mình không bị cản trở bởi quyết định nhắm mục tiêu vào quốc gia đông dân nhất thế giới, bởi trước đó, Minh Phú đã phát triển ở thị trường Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu. Đồng thời, Minh Phú có thể chinh phục thành công thị trường Trung Quốc sau hai hoặc ba năm nữa.
Người dân Trung Quốc chủ yếu đặt mua tôm tươi và chín hoặc thích tôm chín. Minh Phú có thể đáp ứng nhu cầu này với việc sử dụng dây chuyền sản xuất hiện có, nhưng tình hình sẽ có lợi hơn nếu công ty xây dựng các nhà máy chế biến mới để sản xuất riêng cho Trung Quốc.
Kế hoạch dự kiến thực hiện sau khi công ty hoàn tất việc chào bán 75 triệu cổ phần vào đầu tháng 4 tới. Trong đó, Mitsui Co. của Nhật Bản và bốn nhà đầu tư nước ngoài khác được thỏa thuận việc mua cổ phần. Tuy nhiên, phương thức canh tác và vận chuyển cần được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu ở Trung Quốc.
Ông Quang cho biết, công ty gần đây đã phát triển một hệ thống canh tác tiên tiến, gọi tên là Công nghệ 234 và có thể giải quyết các vấn đề dự kiến. Nhờ đó, công ty có kế hoạch sản xuất 10.080 tấn tôm trong năm nay.
Trao đổi với Minh Phú gần đây, một công ty Trung Quốc bán hải sản trực tuyến ngỏ ý muốn mua 20.000 tấn tôm mỗi năm. Cuối tháng này, Tập đoàn cũng tổ chức hội thảo 30 công ty Trung Quốc tại Việt Nam để tham quan các cơ sở của mình, đồng thời tìm hiểu thêm về khả năng cung ứng và canh tác. Ông Quang đã gặp gỡ các lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp trên vào tháng 11/2018 trong chuyến đi cùng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Khoảng một thập kỷ trước, Minh Phú đã cung cấp toàn bộ tôm sú cho một công ty hoạt động tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Nhu cầu hàng tháng từ 3 đến 10 container tôm, mỗi thùng có sức chứa khoảng 18 tấn. Tuy nhiên, cuối cùng Minh Phú vẫn mất thị phần so với các nhà cung cấp mà ông tuyên bố sản phẩm của họ được tiêm gelatin để tăng trọng lượng. Giá của đối thủ thấp hơn 10% so với mức thấp nhất mà Minh Phú có thể cung cấp.
Hiện nay, chính phủ Trung Quốc đang tăng cường xử lí các nhà sản xuất tiêm gelatin vào tôm và người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn trong việc mua hải sản. Ngoài ra, hành vi buôn bán tôm trái phép phổ biến trước đây thông qua biên giới đất liền Việt Nam vào Trung Quốc cũng đã bị kiểm soát. Điều này đã tạo ra cơ hội cho việc doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm thông qua các kênh chính thức.