|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đường đi nước bước của Quốc hội nhằm loại ông Trump khỏi chính trường

12:13 | 11/01/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ sẽ cố sức buộc Tổng thống Trump rời khỏi nhiệm sở bằng cách gây áp lực với Phó Tổng thống Mike Pence hoặc bằng nỗ lực luận tội lần thứ hai trong lịch sử.

Reuters đã tổng hợp các động thái mà Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thực hiện trong tuần này để buộc Tổng thống Trump từ chức sau hành vi kích động đám đông biểu tình xông vào Điện Capitol hồi chiều tối ngày 6/1.

Ngày 11/1: Giới thiệu nghị quyết mới

Hôm nay (11/1, theo giờ Mỹ), các đảng viên Dân chủ tại Hạ viện Mỹ sẽ cố gắng thông qua một nghị quyết yêu cầu Phó Tổng thống Pence viện dẫn Tu chính án thứ 25 để loại Tổng thống Trump khỏi Nhà Trắng.

Nghị quyết mới do Hạ nghị sĩ Jamie Raskin soạn thảo, cáo buộc ông Trump gấp áp lực cho các quan chức bầu cử hòng lật ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden và kích động người ủng hộ xông vào Điện Capitol.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố: "Để bảo vệ Hiến pháp và nền dân chủ của nước Mỹ, chúng tôi sẽ khẩn trương hành động vì Tổng thống Trump là mối họa lớn cho cả Hiến pháp lẫn nền dân chủ".

"Từng ngày trôi qua, ám ảnh kinh hoàng từ cuộc tấn công mà ông Trump khơi mào không ngừng gia tăng và vì vậy, chúng ta cần phải hành động ngay lập tức", bà Pelosi nhấn mạnh.

Đường đi nước bước của Quốc hội nhằm buộc ông Trump từ chức - Ảnh 1.

Tổng thống Trump kêu gọi đám đông người ủng hộ tuần hành đến Điện Capitol hôm 6/1. (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, Hạ viện sẽ tổ chức một phiên họp "chiếu lệ" vào 11h sáng ngày 11/1 (tức 23h giờ Việt Nam) với sự tham gia của một số ít hạ nghị sĩ. Đảng Cộng hòa nhiều khả năng sẽ ngăn chặn nỗ lực thông qua nghị quyết mà không có một cuộc bỏ phiếu đầy đủ và chính thức.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy (Đảng Cộng hòa) có kế hoạch họp riêng với các nghị sĩ mỗi đảng.

Ngày 12/1: Bỏ phiếu chính thức 

Bà Pelosi cho hay, nếu Đảng Cộng hòa ngăn cản việc thông qua nghị quyết mới, Hạ viện sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu chính thức vào ngày 12/1. Đảng Dân chủ chiếm đa số ghế ở Hạ viện nên nghị quyết nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Kết quả bỏ phiếu sẽ gây áp lực lên Phó Tổng thống Pence nhưng không buộc ông phải hành động ngay lập tức. Ông Pence sẽ có 24h để phản hồi.

Các nguồn tin của Reuters cho biết Tổng thống Trump và ông Pence chưa nói chuyện với nhau kể từ sau cuộc bạo động tại Điện Capitol. Cuối tuần trước New York Times đưa tin ông Pence đã phát tín hiệu sẽ không viện dẫn Tu chính án thứ 25 để buộc ông Trump từ chức.

Hiện không rõ ông Pence đã thay đổi ý định hay liệu ông có nhận được sự ủng hộ của đủ thành viên nội các để áp dụng Tu chính án thứ 25 nhằm bãi nhiệm ông Trump hay không.

Ngày 13 hoặc 14/1: Tiến hành cuộc luận tội lần thứ hai

Trong trường hợp ông Pence không hành động, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu các điều khoản luận tội ông Trump, bà Pelosi cho hay.

Ba hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ là Ted Lieu, David Cicilline và Jamie Raskin đã giới thiệu một điều khoản luận tội kêu gọi cách chức ông Trump do hành vi "kích động nổi dậy". Điều khoản này nhận được sự ủng hộ của hơn 200 nghị sĩ Đảng Dân chủ.

Ủy ban Quy tắc Hạ viện sẽ thiết lập các tiêu chí cho cuộc tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện. Sự kiện này có thể diễn ra ngay ngày 13 hoặc 14/1.

Do Đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện, các điều khoản luận tội có thể được Hạ viện thông qua nhanh chóng. Điều đó sẽ khiến ông Trump trở thành tổng thống Mỹ duy nhất bị luận tội hai lần.

Các kịch bản ở Thượng viện

Nếu Hạ viện thông qua các điều khoản luận tội, Thượng viện sẽ phải tổ chức một phiên tòa luận tội. Hồi đầu năm 2020, Thượng viện từng tuyên ông Trump trắng án trong lần luận tội đầu tiên.

Để kết tội và buộc ông Trump rời ghế tổng thống, Thượng viện cần tối thiểu 2/3 phiếu thuận. Tức là, toàn bộ 50 thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ và ít nhất 17 trong 50 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa phải bỏ phiếu kết tội ông Trump. Tính đến ngày 10/1, chỉ có hai đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện công khai tuyên bố ông Trump không nên ngồi ghế tổng thống trọn nhiệm kì.

Thời gian cũng là một vấn đề vì nhiệm kì của ông Trump sẽ kết thúc vào ngày 20/1, khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức.

Theo Reuters, Thượng viện buộc phải xem xét các cáo buộc luận tội ngay khi họ nhận được từ Hạ viện, song sớm nhất phải đến ngày 19/1 thì các nghị sĩ Thượng viện mới nhóm họp trở lại.

Điều đó có nghĩa là Thượng viện sẽ dùng những tuần đầu nhiệm kì của ông Biden để tập trung vào phiên tòa luận tội thay vì bỏ phiếu thông qua các đề cử nội các và ưu tiên chính sách khác của vị tổng thống đắc cử.

Hạ viện có thể tránh kịch bản trên bằng đề xuất của Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ James Clyburn. Chia sẻ với CNN, ông Clyburn gợi ý Hạ viện có thể giữ các điều khoản luận tội trong tối đa 100 ngày, trong khoảng thời gian này ông Biden có thể tiến hành các chương trình nghị sự quan trọng.

Như vậy, khi Thượng viện bắt đầu thảo luận các điều khoản luận tội, ông Trump không còn ở Nhà Trắng. Nếu họ bỏ phiếu kết tội, ông Trump sẽ bị cấm nắm giữ chức vụ công trong tương lai, tức là sẽ không thể ra tranh cử tổng thống năm 2024.

Yên Khê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.