|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự thảo nghị định về XK gạo: đã thấy tinh thần kiến tạo nhưng…

14:16 | 14/05/2017
Chia sẻ
Dự thảo nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương công bố gần đây cho thấy nhiều điểm sửa đổi tích cực. Tuy vậy, vẫn còn một số điều cần xem xét kỹ thêm.
du thao nghi dinh ve xk gao da thay tinh than kien tao nhung
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TL

Cụ thể, Khoản 1 Điều 4 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, nêu:

Thương nhân được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được kinh doanh xuất khẩu gạo khi đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Có kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo và cơ sở xay, xát thóc, gạo phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành...

b) Có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa, được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thương nhân xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo với người sản xuất lúa xác nhận bằng văn bản.

So với điều khoản tương ứng được nêu trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP – nghị định hiện hành về kinh doanh xuất khẩu gạo, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã giảm đi yếu tố ràng buộc về sức chứa kho chuyên dụng và công suất nhà máy xay xát.

Tuy vậy, nhìn điểm b nêu trên, có 2 vấn đề cần bàn thêm.

Thứ nhất, thương nhân phải thực hiện liên kết với người sản xuất lúa.

Có thể thấy, trên lý thuyết, quy định này hợp lý, bởi nó giúp người nông dân được bao tiêu sản phẩm, đảm bảo đầu ra; đồng thời ràng buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu để góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu.

Thực tế, cuộc sống đa dạng hơn. Ví dụ thế này. Công ty TNHH ADC có vùng nguyên liệu rộng 35.000 héc ta, liên kết với 16.000 nông dân khác nhau, theo như chia sẻ của đại diện công ty ngày 22-2 tại một hội thảo ở TPHCM. Có thể thấy, trong trường hợp này, theo quy định mới, ADC có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu.

ADC không chỉ xuất khẩu mà còn bán cho các doanh nghiệp nội địa, trong số đó, có Cỏ May. Cỏ May muốn mua lúa của ADC để chế biến và xuất khẩu. Dĩ nhiên, để đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác nhập khẩu, Cỏ May sẽ đặt hàng ADC sản xuất theo yêu cầu về giống, quy trình canh tác, chuẩn chứng nhận...

Cái lý Cỏ May đưa ra là, thay vì làm việc với hàng ngàn nông dân, tốn nhiều nguồn lực, họ chỉ cần làm việc với ADC để tối ưu chi phí. Việc tối ưu chi phí giúp họ có thể cạnh tranh tốt hơn với đối thủ nước ngoài. Việc phân công lao động như vậy, hợp lý về mặt kinh doanh. Thế nhưng chiếu theo nội dung dự thảo mới, Cỏ May đã không thỏa điều kiện nêu ra tại điểm b Khoản 1 Đỉều 4 nêu trên.

Nếu Cỏ May không thể xuất khẩu, ADC có khả năng mất một mối hàng. Nếu Cỏ May xuất khẩu được thì dù họ không ký hợp đồng trực tiếp với nông dân, lúa nông dân làm ra vẫn được bao tiêu thông qua ADC.

Bây giờ, có người đặt câu hỏi rằng tại sao ADC liên kết được mà Cỏ May không làm được? Thưa, mỗi công ty có một thế mạnh và mô hình kinh doanh khác nhau. Thử nhìn ADC, ngoài kinh doanh lúa gạo, họ còn bán nông dược. Việc liên kết với nông dân giúp họ có đầu ra cho sản phẩm nông dược của mình. Và vì là một công ty chuyên về nông dược nên khả năng kiểm soát nông danh canh tác theo đúng kỹ thuật của họ sẽ tốt hơn một doanh nghiệp không chuyên trong lĩnh vực này như Cỏ May. Điều này cũng tương tự như Lộc Trời khi họ làm cánh đồng mẫu lớn.

Ở đây, Cỏ May không phải là trường hợp duy nhất. Ví dụ khác, như Trung An chẳng hạn, họ có trụ sở đặt ở Cần Thơ, và khi cần mở rộng vùng nguyên liệu ở Trà Vinh, sẽ hợp lý và linh động hơn nếu họ có quyền lựa chọn liên kết thông qua công ty ở địa phương để xây vùng nguyên liệu thay vì ký trực tiếp với các hộ nông dân.

Giờ đây, quay lại trường hợp của ADC. Công ty này liên kết với 16.000 nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. Và nếu theo yêu cầu mới, mối liên kết này phải được xác nhận bằng văn bản bởi lãnh đạo địa phương thì nhìn sơ qua có thấy cả ADC và chính quyền địa phương sẽ tốn không ít thời gian và chi phí hành chính cho thủ tục này. Đây chính là điểm thứ hai cần nhìn lại trong nội dung điểm b nêu trên.

Hợp đồng tập trung – chuyện cũ không thể không nói

Câu chuyện thực hiện hợp đồng tập trung đã không có nhiều thay đổi so với Nghị định 109/2010/NĐ-CP hiện hành.

Theo dự thảo, Điều 19, Thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung, nêu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan ban hành quy định về tiêu chí chỉ định thương nhân đầu mối, việc ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung, cơ chế đầu mối luân phiên và các vấn đề khác có liên quan.

Thương nhân ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung trực tiếp xuất khẩu 20% (hai mươi phần trăm) lượng gạo trong hợp đồng. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ số lượng gạo 80% (tám mươi phần trăm) còn lại của hợp đồng cho các thương nhân khác để thực hiện ủy thác xuất khẩu.

Đặt trường hợp, nếu hợp đồng do VFA ủy thác không đem lại lợi ích cho thương nhân, thương nhân không có động lực để thực hiện, vậy họ có thể từ chối ủy thác?

Theo Khoản 5, Điều 27 về Hành vi vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo, việc "Không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc chỉ tiêu xuất khẩu ủy thác đã được phân bổ mà không thuộc trường hợp bất khả kháng và không báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định" được quy về hành vi vi phạm kinh doanh xuất khẩu gạo.

Và khi vi phạm như vậy, thương nhân có thể sẽ bị xử lý theo Điều 28 trong dự thảo. Theo đó, tùy theo mức độ vi phạm, họ có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; bị xử lý thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 8 dự thảo.

Như vậy, việc thực thi các hợp đồng tập trung vẫn mang tính chỉ đạo; VFA vẫn nắm trong tay quyền phân bổ hạn ngạch. Điều này đi ngược với tinh thần Chính phủ kiến tạo và tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bấy lâu nay.

Cũng liên quan đến hợp đồng tập trung, Khoản 6 Điều 27 nêu việc "Dự thầu, giao dịch hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trái quy định và chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" được quy là hành vi vi phạm về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thế nhưng như thế nào là “trái với quy định và chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” đã không được nêu rõ trong dự thảo.

Liên quan đến vấn đề này, trong một lần trao đổi cùng người viết vào ngày 24-2, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đề nghị nên bỏ sự phân biệt thị trường tập trung và thị trường thương mại.Theo ông Bình, cùng một quốc gia, thị trường tập trung có phân khúc khách hàng riêng, thị trường thương mại có phân khúc khách hàng riêng, không nên cấm doanh nghiệp tìm cơ hội kinh doanh cho riêng mình.

Thật ra, thị trường thương mại hay thị trường tập trung cũng chỉ là một cái tên gọi. Bản chất của vấn đề nằm ở sự can thiệp của cơ quan quản lý vào thị trường khi thực hiện hợp đồng tập trung.

Để giải quyết vấn đề trên, tại hội thảo "Trao đổi với doanh nghiệp về định hướng sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP" diễn ra tại TPHCM ngày 22-2, một doanh nghiệp từng đề nghị thực hiện các hợp đồng tập trung thông qua cơ chế đấu thầu và về dài hạn nên cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP được ban hành vào tháng 11-2010. Việc sửa đổi chính thức được đề cập vào cuối năm 2016. Tháng 1-2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký Quyết định số 43/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ Biên tập và Ban soạn thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 109/2010/NĐ/CP. Dự kiến quí 2-2017 dự thảo được trình xin ý kiến Chính phủ. Và cũng theo dự kiến, nghị định có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2018.

Điểm lại các cột mốc như vậy để thấy việc ban hành một nghị định, đưa vào cuộc sống, đánh giá rà soát rồi sửa đổi tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Do vậy, lần chỉnh sửa này, rất hy vọng cơ quan soạn thảo có thể đối thoại trực tiếp cùng tất cả các bên liên quan để qua đó, xây dựng được bản thảo hợp lý nhất trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Đức Tâm