Dow Jones đảo chiều tăng hơn 100 điểm từ đáy sau tin vui từ ông Trump, chứng khoán Mỹ vẫn có ngày thảm hại nhất năm 2019
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết phiên mất 617,38 điểm, tương đương 2,4% xuống còn 25.324,99 điểm; đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 3/1.
Chỉ số S&P 500 cũng có phiên giảm sâu nhất kể từ đầu tháng 1 khi mất 2,4% trong phiên đầu tuần, còn 2.811,87 điểm.
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3,4% xuống còn 7.647,02 điểm trong phiên tồi tệ nhất của năm 2019 đến thời điểm này.
Tại đáy của ngày, Dow Jones đã mất tới 720 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 2,8% và 3,6%.
Các chỉ số thoát khỏi vùng đáy này sau khi Tổng thống Trump cho biết ông vẫn chưa quyết định có tăng thuế đối với 325 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại hay không.
Đồng thời, ông còn có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Nhật Bản vào cuối tháng 6.
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ ngày 13/5. Nguồn: Bloomberg.
CNBC dẫn lời ông Phil Blancato – CEO của Ladenburg Thalmann Asset Management nhận định: "Tôi nghĩ đây chỉ là màn dạo đầu của vở kịch và trong tương lai gần thị trường sẽ còn biến động mạnh hơn rất nhiều".
Để chặn đà giảm, "Trung Quốc phải thật sự quay lại bàn đàm phán. Nhưng những lời qua tiếng lại sáng nay (13/5) cho thấy họ không hề có ý định này", ông nhận định.
Trung Quốc mới đây tuyên bố sẽ tăng thuế đối với khoảng 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ, chủ yếu là các loại sản phẩm nông nghiệp. Đây được coi là hành động trả đũa của Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%.
Trong một thông cáo chính thức, Trung Quốc cho biết quyết định leo thang của Mỹ hồi tuần trước đã làm phương hại đến lợi ích của cả hai bên và không phù hợp với "kì vọng chung của cộng đồng quốc tế".
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin trả lời CNBC cho biết hai quốc gia vẫn "đang trong quá trình đàm phán". Ông Trump thì nói Mỹ đang trong một "vị thế tuyệt vời" khi đàm phán, nói thêm rằng "nền kinh tế của chúng ta đang rất hùng mạnh, của Trung Quốc thì không".
Cổ phiếu nhạy cảm với thương mại Caterpillar giảm 4,6%, Apple mất 5,8%. Cổ phiếu Boeing mất 4,9% khi có thông tin hãng sản xuất máy bay này có thể bị Trung Quốc đặc biệt nhắm đến trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Các nhóm ngành được coi là phòng thủ như ngành tiện ích và bất động sản là nhóm duy nhất thuộc chỉ số S&P 500 đóng cửa trong sắc xanh cuối phiên 13/5.
Các thị trường chứng khoán Châu Á cũng lao dốc hàng loạt. Chỉ số Nikkei 225 mất 0,7% trong phiên đầu tuần, chỉ số Shanghai Composite cũng giảm 1,2%. Chứng khoán Châu Âu cũng chịu chung số phận, chỉ số Stoxx 600 giảm 1,1% trong khi chỉ số Dax của Đức sụt 1,3%.
"Thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh. Nhà đầu tư không biết nên làm thế nào trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay", ông JJ Kinahan – chiến lược gia trưởng tại TD Ameritrade nhận định
Chỉ số biến động Cboe (VIX) được coi là thước đo sự sợ hãi tốt nhất trên thị trường tăng 4,51 điểm lên mức 20,55 điểm.
Sáng sớm ngày 13/5, ông Trump đăng dòng tweet cho rằng Trung Quốc sẽ bị "thiệt hại hết sức nặng nề nếu không chấp nhận một thỏa thuận thương mại", ông nói thêm rằng "Nhiều công ty sẽ bị buộc phải rời khỏi Trung Quốc để đến các nước khác. Hàng hóa ở Trung Quốc sẽ trở nên quá đắt đỏ. Trung Quốc có một thỏa thuận tuyệt vời và sắp được hoàn thiện nhưng đột nhiên lại rút lui".