|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

‘Đốt tiền’ cho AI mà không thấy lợi nhuận, doanh nghiệp sẽ sớm bỏ cuộc

12:02 | 21/10/2024
Chia sẻ
Chi tiêu toàn cầu cho trí tuệ nhân tạo, bao gồm ứng dụng AI, hạ tầng và các dịch vụ CNTT, sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2028, đạt 632 tỷ USD.

Dẫn lời Giám đốc công nghệ của Marvell - công ty sản xuất chip tại Mỹ, tờ Nikkei Asia cho biết chỉ số ít nhà phát triển chip hàng đầu có thể tiếp tục đầu tư vào chất bán dẫn cho điện toán AI do cần khoản tiền khổng lồ để duy trì tính cạnh tranh.

Ông Noam Mizrahi, Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc công nghệ Marvell, cho biết thị trường chip AI tùy chỉnh sẽ tăng trưởng mạnh, dù chỉ “rất ít” doanh nghiệp đủ khả năng tài chính để tham gia.

“Khoản đầu tư này thực sự rất lớn”, ông Mizrahi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia. “Đây là sân chơi cho những ai có quy mô lớn và có khả năng đầu tư dài hạn”.

Ông Noam Mizrahi. (Ảnh: Nikkei).

“Bạn cần đầu tư vào công nghệ đóng gói, công nghệ sản xuất chip 5 nanomet, 3 nm, 2 nm. Bạn phải đầu tư vào tất cả, từ tài sản trí tuệ, công nghệ giao diện đến công nghệ bộ nhớ. Tôi không nghĩ sẽ có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này”, vị chuyên gia chia sẻ.

Theo ước tính của International Business Strategies (IBS), chi phí sản xuất một tấm wafer cho chip 7 nanomet gần 10.000 USD, chip 5 nm hơn 14.000 USD và chip 2 nm gần 20.000 USD. Các nhà phát triển chip cũng phải chi hàng trăm triệu USD để phát triển và thiết kế chip cho mỗi thế hệ mới để duy trì tính cạnh tranh.

Trong ngành bán dẫn, kích thước nanomet càng nhỏ thì chip càng tiên tiến và mạnh mẽ.

Nhu cầu về chip tùy chỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực điện toán AI, đang tăng nhanh. Mặc dù các sản phẩm phổ biến từ Nvidia và Advanced Micro Devices vẫn được ưa chuộng, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn như Google, Microsoft, Amazon và Meta đang đầu tư mạnh vào phát triển chip riêng cho các trung tâm dữ liệu của họ.

Mục tiêu của các công ty công nghệ này là tối ưu hóa hiệu suất và tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình. Điều này đòi hỏi họ không chỉ phải xây dựng đội ngũ thiết kế chip riêng mà còn tìm kiếm đối tác để hỗ trợ phát triển và sản xuất chip.

Xu hướng này đã mang lại nhiều cơ hội lớn cho Marvell và các nhà phát triển chip khác.

Amazon đã hợp tác với Marvell và Alchip Technologies của Đài Loan (Trung Quốc) để phát triển nhiều thế hệ bộ tăng tốc AI Inferentia. Google cũng hợp tác chặt chẽ với Broadcom để phát triển đơn vị xử lý Tensor (TPU) và với Marvell để phát triển bộ xử lý Maple cho máy chủ, theo các giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành.

Gần đây, Marvell đã công bố hợp tác với công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để phát triển nền tảng đầu tiên trong ngành cho chip 2nm, loại chip tiên tiến nhất, nhằm tăng tốc khả năng điện toán. TSMC cho biết nhu cầu về chip AI cho các trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong năm nay và vẫn duy trì mạnh mẽ trong nhiều năm tới.

Marvell là nhà cung cấp chip mạng lớn thứ hai thế giới sau Broadcom, với các sản phẩm bao gồm chip kết nối cho trung tâm dữ liệu, thiết bị viễn thông và mạng.

Kể từ khi mua lại Cavium vào năm 2018, Marvell đã mở rộng dịch vụ, bao gồm thiết kế chip tùy chỉnh cho các công ty khác. Khách hàng của họ gồm có Amazon, Google, Microsoft, Nokia và Samsung.

Marvell dự báo thị trường chip điện toán tùy chỉnh sẽ tăng trưởng 45% mỗi năm giai đoạn 2023 - 2026, từ 6,6 tỷ USD lên 42,9 tỷ USD. Công ty cũng đặt mục tiêu tăng thị phần trong phân khúc đang phát triển này.

Một yếu tố tăng trưởng quan trọng khác trong thời đại bùng nổ AI là các chức năng “kết nối liên kết” trong các trung tâm dữ liệu, ông Mizrahi cho biết. Chẳng hạn, các siêu máy tính dùng cho điện toán AI cần kết nối nhanh giữa nhiều đơn vị xử lý đồ họa (GPU) hoặc bộ tăng tốc AI để hoạt động như một khối tính toán duy nhất, giúp tối ưu hóa hiệu suất.

“Chúng ta không chỉ nói về một thành phần duy nhất,” ông nói. “Chúng ta đang nói về hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn thành phần. Tất cả đều được kết nối với nhau… và cần phải hoạt động như một máy ảo duy nhất. Cách kết nối này ảnh hưởng lớn đến kết quả tính toán”.

Marvell dự đoán thị trường kết nối liên kết sẽ tăng trưởng 27% mỗi năm giai đoạn 2023 - 2028, đạt gần 14 tỷ USD. Công ty kỳ vọng doanh thu từ AI sẽ tăng từ 550 triệu USD trong năm tài chính 2024 lên hơn 2,5 tỷ USD vào năm tài chính 2026.

Mặc dù ông Mizrahi gọi AI là “cuộc cách mạng công nghiệp” mới, ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn cần các mô hình kinh doanh hiệu quả để đảm bảo lợi nhuận từ việc đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu AI.

“Câu hỏi lớn là: Làm sao để các công ty có thể thu hồi vốn từ những khoản đầu tư này?” ông nói. “Khoản đầu tư là rất lớn. Các công ty lớn đang đầu tư cần tìm ra cách thu về lợi nhuận”.

Theo IDC, chi tiêu toàn cầu cho trí tuệ nhân tạo, bao gồm ứng dụng AI, hạ tầng và các dịch vụ CNTT, sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2028, đạt 632 tỷ USD.

Ngoài trung tâm dữ liệu, ông Mizrahi còn thấy tiềm năng tăng trưởng ở các kết nối liên kết trong xe ô tô.

“Lượng dữ liệu khổng lồ” được truyền tải đến và đi từ các xe hơi tiên tiến, với nhiều xe có rất nhiều cổng Ethernet, ông cho biết. “Nếu đếm tổng số kết nối, con số đó không thua kém so với các trung tâm dữ liệu”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy