Cuộc đua hút vốn ngoại của doanh nghiệp Việt: WinMart đứng đầu, bất ngờ thứ hạng của VinFast
Mới đây, Tech in Asia thống kê về quá trình gọi vốn của các startup công nghệ Việt trong 10 năm qua. Thống kê cho thấy đầu tư vào startup tại Việt Nam đã tăng hơn gấp ba lần, từ 451 triệu USD năm 2020 lên 1,4 tỷ USD năm 2021. Số lượng các thương vụ cũng tăng tương tự trong cùng năm.
Công ty khởi nghiệp Việt thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 10 năm qua. (Nguồn: Tech in Asia).
Trong đó, đứng đầu danh sách thu hút vốn ngoại là The CrownX thuộc Masan Group. The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất sở hữu Masan Consumer Holdings và WinCommerce (WinMart/WinMart+ và WIN).
Bắt đầu từ năm 2021, The CrownX nhận 410 triệu USD từ SK Group cho 16,26% cổ phần WinCommerce. Cuối năm đó, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục bỏ 340 triệu USD để nắm 4,9% cổ phần The CrownX.
Tháng 6 cùng năm, nhóm nhà đầu tư gồm Alibaba và Baring Private Equity Asia hoàn tất mua 5,5% cổ phần The CrownX với giá 400 triệu USD. Tới tháng 12, các nhà đầu tư Trung Đông gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và SeaTown Holdings đã rót 350 triệu USD vào The CrownX.
Sau giao dịch, The CrownX được định giá 8,2 tỷ USD. Trong đó Masan Group vẫn nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 81,4%. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ sinh thái tiêu dùng bán lẻ của Masan Group đã thu hút 1,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 10 năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó không chỉ có Masan Group - đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam, các sàn thương mại điện tử nội địa như Sendo hay Tiki cũng thu hút lượng lớn nguồn vốn từ các “ông lớn” ngoại.
Chẳng hạn với Tiki, sau khoản đầu tư của VNG vào năm 2019, để có tiền tiếp tục “đốt”, sàn thương mại điện tử Việt này tiếp tục huy động từ các quỹ ngoại. Năm 2020, Tiki tăng vốn điều lệ từ 190,9 tỷ đồng lên hơn 208,31 tỷ đồng - nguồn vốn tăng thêm chủ yếu đến từ dòng vốn nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu của các cổ đông ngoại tại Tiki tăng từ 49,7% lên 54,5%.
Theo thống kê từ Tech in Asia, tính đến tháng 5/2022, Tiki tổng cộng đã gọi vốn thành công 468,7 triệu USD (chỉ tính đến các khoản đầu tư được công bố chính thức). Lần gọi vốn thành công gần nhất của Tiki là vào tháng 11/2021 với quy mô 258 triệu USD thuộc vòng Series E. Theo bảng xếp hạng, Tiki đang đứng thứ 3 các công ty Việt Nam thu hút dòng tiền nước ngoài lớn nhất.
Sendo cũng không ngoại lệ khi từ tháng 8/2018, nền tảng này công bố nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tới tháng 11/2019, Sendo tiếp tục gọi vốn thành công 61 triệu USD trong vòng Series C, theo Deal Street Asia. Số tiền được đầu tư bởi các cổ đông hiện hữu cũng như hai nhà đầu tư mới EV Growth của Indonesia và Kasikornbank của Thái Lan.
Trong khi đó, gần đây sự xuất hiện của VinFast - nhà sản xuất ô tô thuộc Vingroup, đã mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ngoài bán lẻ. Trong thông cáo phát đi tháng 10/2022, VinFast cho biết ngân hàng ADB sẽ thu xếp gói tài chính chống biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu USD để hỗ trợ hãng xe này phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.
Gói tài chính hỗ trợ bao gồm các khoản vay với kỳ hạn 7 năm trị giá 20 triệu USD, khoản tài trợ ưu đãi 28 triệu USD từ ADB và khoản vay 87 triệu USD do ADB thu xếp vốn chính.
Trong giao dịch này, ADB thu xếp khoản tài trợ vốn cho VinFast bằng nguồn vốn ưu đãi từ những quỹ ủy thác, gồm Đối tác Tài chính Khí hậu Australia do Chính phủ Australia (ACFP), Quỹ Công nghệ sạch (CTF) và Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu, do ngân hàng Goldman Sachs và tổ chức từ thiện Bloomberg Philanthropies tài trợ.
ADB cũng huy động các khoản vay song hành từ Cơ quan hỗ trợ Xuất khẩu Australia (Export Finance Australia), Quỹ Hợp tác Công nghiệp Phần Lan, Ngân hàng Phát triển Áo (Oesterreichische Entwicklungsbank AG) và responsAbility.
Có thể thấy, hệ hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Vậy công ty công nghệ nào sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư tiếp theo?