|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Kinh doanh online tăng nóng nhưng đều nằm trong tay các nền tảng nước ngoài

10:02 | 21/11/2024
Chia sẻ
Shopee và TikTok Shop chiếm gần 90% thị phần thương mại điện tử tại Việt Nam.

Tại sự kiện diễn ra chiều 20/11 về thương mại điện tử, ông Nguyễn Xuân Thảo - ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), cho biết Việt Nam sở hữu mạng lưới rộng lớn với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa, 9.000 chợ truyền thống, chiếm tới 75% thị phần và phục vụ 85% nhu cầu tiêu dùng.

Kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện lợi chiếm 20% doanh số, với mức tăng trưởng ổn định 10% mỗi năm. Trong khi đó, kênh bán hàng online, mặc dù chỉ nắm 5% thị phần, đang bùng nổ với mức tăng trưởng 35-45%. 

Dẫn số liệu tương tự từ thống kê của Google, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho biết thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2023. 

“Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái thì tăng trưởng hơn 30 đến 40%. Người tiêu dùng tập trung mua chủ yếu trên những nền tảng lớn, trong đó Shopee và TikTok Shop đã chiếm gần 90% thị phần”, ông Đức nói.

Có thể thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang kênh hiện đại và thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, theo đại diện VLA, sự gia nhập của các sàn xuyên biên giới như Temu và Shein vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobao làm gia tăng áp lực cạnh tranh. 

Trước đó, thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Xuân Thảo cho biết doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ khi hàng hoá nước ngoài tràn vào qua các nền tảng kể trên.

Nhờ nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang ồ ạt mở rộng sang thị trường nhiều nước, trong đó có Việt Nam (Ảnh: CFP).

Lý giải tại sao hàng hoá nước ngoài, cụ thể là hàng Trung Quốc, bán trên các sàn rẻ hơn hàng Việt, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho biết một sản phẩm Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử có giá trị chỉ vài chục nghìn nhưng không có nghĩa rằng nó đã bao gồm toàn bộ tiền ship, đôi khi nó bị ẩn ở đâu đó, đôi khi nhà sản xuất phải trả số tiền đó cho đơn vị vận chuyển… 

“Bên cạnh đó, khi nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân, chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán, dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tương tự với các nước khác trên thế giới.

Như vậy, một sản phẩm Trung Quốc khi đem vào Việt Nam nhưng bị thuế đánh thấp hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam phải trả thì đương nhiên là giá sản phẩm Trung Quốc phải rẻ hơn rồi”, ông Trung cho hay.

Ngoài ra, vị giám đốc nhắc tới một xu hướng khác là nhiều sàn thương mại điện tử tuy bán ở Việt Nam nhưng gần như không bán trực tiếp, mà thông qua một đơn vị ủy quyền để phân phối hàng. Chẳng hạn các mặt hàng quần áo, đồ chơi trẻ em… từ Trung Quốc có thể thông qua một đơn vị Việt Nam đứng ra nhập khẩu và bán trực tiếp thông qua nền tảng thương mại điện tử đến người tiêu dùng.

"Như vậy cái giá thật sự khi doanh nghiệp Trung Quốc xuất xưởng là đã có lời rồi. Đôi khi giá thành sản phẩm của họ chỉ chừng 60 - 70% giá trị họ bán ở Việt Nam. Đó là vì sao nhiều sản phẩm hàng Trung Quốc có giá rẻ, dù có thể họ miễn phí luôn cả tiền thuế phí", ông nói.

Trước thực trạng trên, ông Thảo tại VLA cho biết: “Do vậy chúng ta cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm, tối ưu hóa quy trình, đặc biệt là quy trình logistics để nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Trong khi đó, ông Đức tại Vecom cho rằng các doanh nghiệp Việt phải liên tục theo dõi cập nhật để giúp việc chuyển đổi số thương mại điện tử hiệu quả hơn. Những điểm chính quan trọng các doanh nghiệp cần phải lưu tâm hiện nay là về trí tuệ nhân tạo (AI), livestream và quảng cáo.

Ông Đức nói thương mại điện tử chính là môi trường các doanh nghiệp càng nên tận dụng để xuất khẩu xuyên biên giới. "Trong những năm qua, bất chấp ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn có thể tăng trưởng liên tục 15 - 20% mỗi năm".

Đức Huy