LG lấn sân làm phần mềm ô tô tại Việt Nam, bị hấp dẫn bởi nhân tài công nghệ Việt
Theo Nikkei, LG Electronics vừa tuyển thêm lập trình viên vào các lĩnh vực phương tiện và thiết bị gia dụng tại Việt Nam trong tháng này. Trước đây, công ty chủ yếu tập trung vào sản xuất. Việc mở rộng sang lĩnh vực phần mềm góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng nâng cao chuỗi giá trị, chuyển từ sản xuất tại nhà máy sang đổi mới sáng tạo.
LG cho biết, công ty đang nghiên cứu và phát triển các hệ thống kỹ thuật số như định vị trong xe hơi. Họ cũng nhấn mạnh rằng các chiến lược phát triển nhân tài R&D của Chính phủ và sự hợp tác với Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp họ thu hút nhân sự có trình độ cao.
Trước đây, LG tại Việt Nam chủ yếu sản xuất tủ lạnh, máy giặt và máy hút bụi. Gần đây, công ty đã mở rộng tuyển dụng các nhà nghiên cứu. Số lượng nhân viên R&D từ 200 người vào năm 2019 dự kiến sẽ tăng lên 1.200 người trong năm nay.
LG đang đẩy mạnh R&D tại Việt Nam. Năm 2016, công ty mở trung tâm nghiên cứu đầu tiên tại đây, tập trung vào linh kiện ô tô. Năm 2020, họ mở thêm chi nhánh R&D tại Đà Nẵng. Đến năm 2023, công ty tiếp tục mở một trung tâm tại Hà Nội chuyên về xe điện.
Theo Nikkei, Việt Nam đang chuyển đổi từ lao động chân tay sang lao động trí óc, lấy cảm hứng từ mô hình của Hàn Quốc. Hàn Quốc không chỉ thành công trong quá trình này mà còn đưa nhiều tập đoàn lớn đến Việt Nam, tạo ra tác động lâu dài.
Hiện tại, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn chiếm ưu thế trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ lo ngại xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi thuế mới của Mỹ, dẫn đến khả năng trì hoãn đầu tư, theo Financial Times.
Nhiều công ty khác đang tập trung vào nhân sự kỹ thuật. Chẳng hạn, các nhà sản xuất chip như Samsung và ADTechnology đã tăng cường đội ngũ nhân viên. BOS Semiconductors cũng mở rộng nhóm thiết kế sau khi phát hiện năng lực vượt trội của nhân viên, bao gồm một người từng phát hiện lỗi mã hóa nghiêm trọng, công ty cho biết.
“Chúng tôi rất bất ngờ khi một thực tập sinh có thể phát hiện ra lỗi nghiêm trọng như vậy”, ông Lim Hyung Jun, Giám đốc quốc gia, chia sẻ vào đầu năm nay. “Mỗi lần họ đến thăm, họ đều ngạc nhiên vì mọi thứ thay đổi rất nhanh”.
LG cũng cho biết rằng: “Điều này thể hiện trình độ của các lập trình viên được đào tạo tại Việt Nam”. Một số nhân viên đã được trụ sở chính công nhận, trong đó có một lập trình viên người Việt vượt qua 100 đồng nghiệp trong cuộc thi lập trình toàn cầu của LG.
Công ty này hiện phát triển cả phần cứng và phần mềm, dù một nhà máy của họ từng bị ảnh hưởng bởi siêu bão Yagi. Các lập trình viên kiểm tra hệ thống âm thanh trên xe hơi, trong khi công nhân tại nhà máy ở Hải Phòng sản xuất các thiết bị này.
Mới đây, dự án đầu tư mở rộng của LG tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) tăng tổng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD, từ 4,65 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 13 – 14 triệu sản phẩm/tháng.
Tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký đầu tư của LG là trên 8 tỷ USD, doanh thu năm 2023 gần 14 tỷ USD. Hãng có ba nhà máy lớn ở Hải Phòng, đồng thời vận hành Trung tâm R&D tại Hà Nội, Đà Nẵng với hơn 1.000 nhân lực.
Hãng điện tử Hàn Quốc đạt doanh thu khoảng 137 tỷ USD trong năm ngoái, tổng số lao động khoảng 270.000 người trên toàn cầu.