Techcombank: Chính sách thuế quan của ông Trump ít ảnh hưởng tỷ giá và lãi suất của Việt Nam năm 2025
Trong báo cáo mới đây, Bộ phận Phân tích Kinh tế và Thị trường Tài chính Ngân hàng Techcombank nhận định rằng do ít có nguy cơ bị áp thuế cao, tác động chính sách của chính quyền ông Donald Trump sẽ không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến diễn biến tỷ giá và lãi suất của Việt Nam trong năm 2025.
Theo Techcombank, trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã đề xuất áp nhiều mức thuế nhập khẩu mà có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới thương mại toàn cầu.
Các chính sách được đề xuất bao gồm: áp thuế nhập khẩu từ 10- 20% nhắm vào nhiều loại hàng hóa trên thế giới; mức thuế lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; và mức 200% đối với hàng nhập khẩu của Mexico.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump có thể loại trừ việc áp thuế này đối với các nền kinh tế có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ, hiện đang bao gồm 20 quốc gia, các chuyên viên phân tích nhận định. Đồng thời, các chính sách thực tế được triển khai có thể sẽ khác, tùy thuộc rất nhiều vào kết quả đàm phán và tình hình địa chính trị thế giới.
Thặng dư thương mại đáng kể của Việt Nam với Mỹ có thể làm dấy lên nhiều lo ngại. Tuy nhiên, Techcombank chỉ ra rằng có một số điểm cần xem xét khi đánh giá khả năng áp dụng các biện pháp thương mại của Mỹ nói trên đối với Việt Nam.
Cụ thể, Economist Intelligence Unit (EIU) xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 9 trong top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ những thay đổi chính sách của Mỹ. Danh sách này được lập dựa theo các khía cạnh thương mại, an ninh và nhập cư.
Xét trên tổng điểm chỉ số trụ cột về thương mại, Việt Nam đứng thứ 4, sau Mexico và Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xét tới an ninh và nhập cư, Việt Nam lại là mối e ngại nhỏ đối với Mỹ và có thể khiến các biện pháp trừng phạt không nhắm đến Việt Nam ngay lập tức.
Trích dẫn phân tích của VinaCapital, các chuyên viên phân tích cho rằng khả năng áp thuế nhập khẩu ở mức cao đối với Việt Nam không quá lớn vì một số lý do.
Thứ nhất, không giống như Trung Quốc, quốc gia được Mỹ coi là đối thủ cạnh tranh chiến lược trực tiếp, Việt Nam vẫn nhận được sự ưu ái kinh tế hơn.
Thứ hai, Mỹ ngày càng coi Việt Nam là thị trường thay thế tiềm năng cho hàng hóa giá rẻ truyền thống mà có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mỹ khó có thể đưa hoạt động sản xuất giá rẻ trở lại, đặc biệt khi mà thị trường lao động Mỹ yêu cầu mức lương cao và thiếu hụt nhân lực có trình độ tương xứng.
Thứ ba, Việt Nam có thể giảm bớt thặng dư thương mại với Mỹ thông qua việc nhập khẩu các sản phẩm giá trị cao của Mỹ, chẳng hạn như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay, để phục vụ cho việc duy trì mối quan hệ thương mại cân bằng hơn.
Ngoài ra, phân tích sơ bộ của Techcombank cho thấy ngay cả trong trường hợp các biện pháp thuế quan do ông Trump đề xuất được thực hiện, tác động tới Việt Nam cũng sẽ không xuất hiện ngay lập tức mà có khả năng phải đến cuối năm 2025. Nguyên nhân là bởi quá trình điều tra và triển khai thuế quan khá dài, ước tính cần khoảng 8 tháng dựa trên dữ liệu lịch sử.
Techcombank đánh giá chính sách này có tác động đáng kể, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng có thể được giảm bớt thông qua các cuộc đàm phán giữa Việt Nam – Mỹ và khi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia được cân bằng hơn.
Ngoài ra, áp lực lạm phát tại Mỹ từ thuế quan cao có thể được bù đắp một phần nhờ việc chuyển sang nhập khẩu hàng hóa có mức thuế thấp hơn hoặc hàng hóa giá cả phải chăng hơn.
Đồng thời, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng có thể lựa chọn không phản ứng mạnh mẽ với mức tăng giá do ảnh hưởng một lần từ thuế quan và sẽ duy trì xu hướng cắt giảm lãi suất dựa trên các bối cảnh kinh tế.
Do đó, Techcombank lập luận rằng ảnh hưởng từ các chính sách mới của chính quyền ông Trump tới tỷ giá và lãi suất của Việt Nam có thể sẽ không quá nghiêm trọng trong năm 2025.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của UOB cũng cho rằng kết quả cuộc bầu cử Mỹ sẽ ít ảnh hưởng tới tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam.
“Chúng tôi cũng cho rằng kết quả bầu cử tại Mỹ sẽ ít có tác động trực tiếp đến lãi suất VND và tỷ giá USD/VND do đồng tiền nội địa đã và đang được quản lý chặt chẽ trong khuôn khổ các hoạt động thương mại và đầu tư dài hạn hơn là công cụ đầu tư và đầu cơ ngắn hạn,” ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt và dao động trong khoảng 24.700-24.900 đồng/USD trong quý IV, được hỗ trợ bởi những yếu tố như Fed và các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Bên cạnh đó nguồn cung ngoại tệ vào Việt Nam tiếp tục dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và kiều hối đồng thời thâm hụt thương mại dịch vụ ngày càng thu hẹp.
Ngược lại, chuyên gia của Công ty chứng khoán Shinhan (SSV), nếu ông Trump thắng cử, tỷ giá có thể gặp áp lực tăng đến cuối năm do thị trường có xu hướng lựa chọn đầu tư vào tài sản ít rủi ro và chờ đợi tác động từ chính sách của chính quyền mới, thay vì phản ứng tức thời với các đợt cắt giảm lãi suất của Fed.
Trên thực tế, trong những ngày gần đây, tỷ giá USD/VND liên tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh chỉ số USD Index (DXY) lên gần 107 - cao nhất kể từ cuối năm 2022. Mặc dù DXY luôn neo ở mức cao kỷ lục, tỷ giá thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì dưới ngưỡng can thiệp của ngân hàng nhà nước.