|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

5 triệu tài xế giúp Grab xây bản đồ riêng

10:30 | 18/11/2024
Chia sẻ
Mỗi quý, tài xế Grab đóng góp khoảng 500.000 thông tin mới vào dữ liệu bản đồ.

Các con hẻm ở Jakarta nhỏ hẹp và quanh co, có nơi chỉ rộng khoảng một mét, vừa đủ để xe máy đi qua. Người giao hàng phải lách qua những giá phơi đồ, chú ý trẻ em chơi trên đường và tìm số nhà lộn xộn để giao hàng đúng giờ.

Tại Đông Nam Á, tài xế của Grab cũng thường xuyên phải vượt qua những con hẻm và con đường tương tự. Khi địa chỉ không được định vị chính xác trên bản đồ, việc tìm kiếm có thể gây chậm trễ, khiến khách hàng khó chịu và làm tăng nguy cơ hủy đơn hàng. 

Vì thế, độ chính xác của bản đồ Grab trở thành yếu tố rất quan trọng. Bản đồ này được công ty xây dựng nhờ đóng góp từ tài xế và các đối tác ở 8 thị trường trong khu vực, theo Rest of World.

5 triệu tài xế Grab trên khắp Đông Nam Á tham gia vào việc tạo dựng bản đồ riêng. (Ảnh: Rest of World).

“Đường phố ở đây rất phức tạp và khó đoán”, cô Harsiniawati - một tài xế giao hàng Grab ở Jakarta, chia sẻ. “Có những con đường thậm chí không có trên bản đồ”. 

Trước đây, Grab cũng như nhiều công ty khác, dựa vào các nền tảng bản đồ của bên thứ ba như Google Maps hay Here. Tuy nhiên, khi mở rộng quy mô, Grab nhận được nhiều phản hồi từ tài xế về việc khó tìm địa điểm. 

Ông Sriram Iyer, Giám đốc sản phẩm tại Grab, cho biết: “Chúng tôi từng yêu cầu những chỉnh sửa đơn giản như cập nhật vị trí của một cửa hàng đã chuyển địa điểm, nhưng những thay đổi đó mất nhiều tháng mới được xử lý”.

Grab nhận ra rằng ở những khu vực có tốc độ thay đổi nhanh, các nhà cung cấp bản đồ hiện tại không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì vậy, công ty đã nhờ đến sự giúp đỡ của 5 triệu tài xế trong mạng lưới. 

Tài xế được trả thêm khi tham gia vẽ bản đồ. Những bản đồ do tài xế đóng góp chính xác hơn, cập nhật nhanh hơn và ghi lại được cả các địa danh quen thuộc theo cách gọi địa phương.

GrabMaps được phát triển từ năm 2017 như một công cụ nội bộ và trở thành công cụ định vị chính của ứng dụng vào năm 2022. Hiện nay, dữ liệu của GrabMaps bao gồm hơn 65 triệu địa chỉ và điểm đến, từ nhà hàng, hiệu thuốc, trường học, trạm xăng, máy ATM đến các điểm du lịch. Grab đã hoàn thiện khoảng 80% số điểm cần thiết.

Ban đầu, tài xế sử dụng các loại camera có sẵn để chụp ảnh. Sau đó, Grab thử nghiệm nhiều loại camera khác nhau, bao gồm GoPro, nhưng cuối cùng tự phát triển loại camera riêng để cải thiện chất lượng hình ảnh. Điều này giúp Grab kiểm soát hoàn toàn dữ liệu và sử dụng hiệu quả hơn trong hệ thống của mình. “Đây là khoản đầu tư mang lại sự tự chủ rất lớn”, ông Iyer nói.

Dữ liệu từ tài xế, người dùng và các đối tác tại hơn 500 thành phố Đông Nam Á đã bổ sung hơn 800.000 km đường còn thiếu vào OpenStreetMap. 

Mỗi quý, tài xế Grab đóng góp khoảng 500.000 thông tin mới vào bản đồ. Dữ liệu được cập nhật hàng ngày, bao gồm các thay đổi về đường đi, địa chỉ và các cập nhật khác. Bản đồ chính xác hơn giúp tài xế rút ngắn mỗi chuyến đi khoảng 90 giây, nhờ đó họ nhận thêm được nhiều đơn hàng hơn.

Mỗi quý, tài xế Grab đóng góp khoảng 500.000 thông tin mới vào dữ liệu bản đồ. (Ảnh: Rest of World).

Theo các chuyên gia, thị trường bản đồ số Đông Nam Á có thể đạt giá trị 43 tỷ USD vào năm 2030. GrabMaps tập trung vào tính địa phương, khác biệt với Google Maps và Here, vốn ưu tiên các tuyến đường lớn dành cho ô tô. 

Ông Mohit Sharma, chuyên gia phân tích tại Counterpoint, nhận xét: “Google và Here chỉ tập trung vào các con đường lớn hoặc khu dân cư, không phải các con hẻm nhỏ. Đông Nam Á không phải thị trường chính của họ. Họ chú trọng các khu vực lớn như Mỹ và châu Âu”.

Grab không phải công ty duy nhất tự phát triển bản đồ. Ở Trung Quốc, Amap của Alibaba và Baidu Maps rất phổ biến. Baidu Maps thậm chí còn phục vụ Tesla và Huawei. Tại Ấn Độ, nền tảng gọi xe Ola đã ngừng sử dụng Google Maps, chuyển sang Ola Maps do chính mình phát triển dựa trên OpenStreetMap. Công ty gọi xe Bolt gần đây cũng bắt đầu sử dụng dữ liệu thời gian thực của TomTom để tính toán tuyến đường nhanh nhất.

“Nhu cầu hiện nay là có một công cụ địa phương hơn, cụ thể hơn và giá hợp lý hơn”, ông Iyer nhận định.

Trọng tâm của GrabMaps là KartaCam, một loại camera do Grab tự thiết kế. Phiên bản mới nhất, ra mắt năm 2024, có thể gắn trực tiếp trên xe máy của tài xế, không cần phương tiện đặc biệt để lập bản đồ. Camera này có khả năng ghi lại chi tiết các vạch kẻ đường, số nhà, tên cửa hàng và giờ mở cửa.

Grab cũng vừa giới thiệu KartaDashcam, một camera cho ô tô gắn trên gương chiếu hậu để ghi lại tình trạng đường phố theo thời gian thực. Hiện có khoảng 500 chiếc KartaCam đang được sử dụng, và Grab có kế hoạch triển khai hàng chục nghìn chiếc trong tương lai.

Ngoài các công nghệ camera, Grab cải thiện độ chính xác của bản đồ nhờ các chuyến đi thực tế và các đơn giao hàng đòi hỏi thông tin địa điểm chính xác. Theo ông Jianggan Li, CEO Momentum Works, điều này mang lại giá trị đặc biệt lớn cho các khách hàng doanh nghiệp.

GrabMaps hiện xử lý hơn 800 tỷ yêu cầu API mỗi tháng cho các dịch vụ như chỉ đường, điều hướng và tìm kiếm địa điểm. Năm ngoái, GrabMaps trở thành nhà cung cấp dữ liệu cho Bing và Amazon Location Service tại Đông Nam Á. 

Vào tháng 10, công ty Loqate chuyên xác minh địa chỉ cho biết sẽ sử dụng GrabMaps để cung cấp dịch vụ xác minh địa chỉ “chính xác và mang tính địa phương hơn” cho các khách hàng, bao gồm các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Sự phát triển của thương mại điện tử, xe điện và công nghệ hỗ trợ lái xe tại Đông Nam Á mở ra cơ hội cho GrabMaps cung cấp các giải pháp như định tuyến, quản lý mạng lưới sạc và kiểm tra tình trạng hoạt động của trạm sạc. Theo Counterpoint Research, khả năng của KartaCam trong việc phát hiện ổ gà cũng khiến GrabMaps trở thành công cụ hữu ích cho các cơ quan chính phủ.

Grab sử dụng các mô hình học máy riêng cho từng quốc gia để lấp đầy các khoảng trống dữ liệu bản đồ. Công ty còn dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc và cải thiện chất lượng hình ảnh. Quan hệ đối tác với OpenAI sẽ giúp tự động hóa quy trình, nâng cao khả năng trích xuất dữ liệu từ hình ảnh và đẩy nhanh tốc độ cập nhật thông tin.

Dù có công nghệ tiên tiến, việc xây dựng bản đồ cần nhiều vốn đầu tư, và Grab phải cạnh tranh với các công ty bản đồ lớn hơn. 

Theo ông Mohit Sharma, GrabMaps khó đạt được thành công như Amap hay Baidu tại Trung Quốc, nơi thị trường được quản lý chặt chẽ và ưu tiên các công ty nội địa. “Đông Nam Á là một thị trường mở. Để đạt độ chính xác và phù hợp với địa phương, Grab sẽ cần nhiều thời gian và đầu tư lớn”, ông nói.

Đức Huy