Chuyên gia khởi nghiệp đóng cửa quán cà phê cuối cùng tại Sài Gòn và bài học cắt lỗ đau đớn
Tùng BT tên thật là Trần Thanh Tùng - tốt nghiệp khoa công nghệ thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM. Anh là host kiêm thành viên Hội đồng thẩm định Shark Tank.
Tùng là đồng sáng lập chuỗi cà phê Monkey In Black, sở hữu hàng loạt kênh truyền thông như Saigon Tếu, Yêu là Đủ, học viện New Founder, Wolf On… với hàng chục triệu lượt xem mỗi tháng.
Tùng cũng là nhà đầu tư thiên thần cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Heaven Sense, Meta D,… Anh từng đạt giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất cuộc thi Startup Wheel 2015 và gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu của giải thưởng Golf for startup 2019.
Trên các kênh truyền thông xã hội, Tùng là một micro KOL trong lĩnh vực khởi nghiệp với hơn 800.000 người theo dõi. Đồng thời, anh là tác giả sách “Người bình thường không ai khởi nghiệp” bán chạy nhất trên Tiki.
Trên bog cá nhân, Tùng tự nhận mình là “chuyên gia khởi nghiệp”. Vậy nhưng “chuyên gia” này mới đây đã ra quyết định đóng cửa quán cà phê Monkey In Black cuối cùng tại TP HCM sau 10 năm hoạt động.
“Vậy là hành trình 10 năm gắn bó đã đi đến hồi kết. Đó là một hành trình dài đầy cảm xúc, tại đây đã diễn ra vô vàn câu chuyện đáng nhớ, những con người tuyệt vời, và những dự án "Nghĩ điên làm chất" đầy táo bạo”, Tùng viết trên Facebook cá nhân.
Về nguyên nhân đóng cửa chuỗi cà phê, Tùng cho biết “cái gì lỗ thì mình cắt”. “Dù một dự án sinh ra gắn với rất nhiều cảm xúc, giá trị, niềm tin, thậm chí là… cái tôi của người chủ. Nhưng khi đã cố hết sức mà không còn cứu được nữa, ta phải bảo vệ chính mình trước chứ, đúng không?”, chuyên gia khởi nghiệp chia sẻ.
Trong một bài viết khác sau đó, Trần Thanh Tùng kể về khó khăn mà Monkey In Black đã gặp phải. Anh cho biết 19 tuổi anh đã “lăn lộn ra đường khởi nghiệp” và cũng đạt được thành công.
Liên tiếp sau đó, Tùng tham gia vào các dự án khởi nghiệp lẫn tập đoàn lớn nhỏ. Đỉnh cao là giai đoạn sự nghiệp của anh phát triển nhanh “kinh khủng” gắn với biệt danh “chàng trai khởi nghiệp độc lạ” ở Sài Gòn.
“Thế nên tôi cũng có chút tự tin vào bản thân mình. Lúc đó, tui cứ tưởng game (cuộc chơi) này mình đã thắng. Cho tới khi bùm, trong guồng quay của doanh nghiệp liên tục lớn, tôi chợt nhận ra đến thời điểm trả lương mà tài khoản dự án mình thì không còn đồng nào cả.
Và đó là cái domino đầu tiên báo hiệu cho tôi biết thời kỳ khủng hoảng đang kéo đến với hàng loạt doanh nghiệp”, Tùng kể về thời điểm đang đứng trên đỉnh cao bị rơi xuống vực sâu trong các dự án kinh doanh.
Theo anh, lý do duy nhất nằm ở vấn đề tài chính. Anh phải chật vật tách từng khoản thu chi. Tuy nhiên tình trạng lỗ càng trở nên tồi tệ hơn.
“Cắt một quán, đóng cửa tiếp một quán nữa, dẹp luôn quán mới xây vì không gồng được nổi. Đồng sáng lập cũng rời bỏ tôi mà đi sau vụ đó, một mình tôi sa thải hàng loạt bạn nhân viên. Cuối cùng, tôi rơi vào rối loạn lo âu gần một năm trời”, Tùng chia sẻ về giai đoạn phải đóng cửa, sa thải nhân viên để cắt lỗ.
“Thời mới đi khởi nghiệp thì tôi làm gì để ý đến quản lý tài chính. Với tôi, kiếm được tiền là trên hết. Lớn thật nhanh để không bỏ lỡ cơ hội. Nhưng cũng chính việc kiếm được nhiều mà tiêu nhiều gấp đôi đã khiến tôi mất trắng.
Lúc này tôi thấm thía bài học: Chính những thứ mình từng coi thường nhỏ nhặt, một ngày nào đó sẽ quay lại đá thẳng vô mặt bạn. Hy vọng là những người chủ mới nếu có đang thấy mình hổng một lỗ nào đó nhỏ xíu, hãy bắt đầu lưu tâm tới nó.
Có khi hiện tại nó chưa phải là vấn đề, có khi bây giờ bạn chưa đủ nguồn lực hay ưu tiên để giải quyết, nhưng xin bạn nhớ lưu tâm. Chỉ việc lưu tâm, bạn mới dần thay đổi những hành vi của mình để bắt đầu vá lỗ”, Tùng kết luận.