|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín hiệu tích cực từ bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

10:17 | 21/11/2024
Chia sẻ
Sau 9 tháng đầu năm 2024, thu từ hoạt động bảo hiểm tại các ngân hàng đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm trước, có nơi tăng trên 70%.

Liên tiếp trong khoảng 10 năm trước 2023, lĩnh vực bảo hiểm đã từng ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức hai con số. Tuy nhiên, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường đã chứng kiến sự suy giảm lần đầu tiên vào quý II/2023 và cho đến quý III năm nay mới có dấu hiệu phục hồi. 

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, doanh thu phí bảo hiểm trong quý III/2024 ước đạt 56.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2023. Đây là quý đầu tiên kể từ quý II/2023 mà tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm ghi nhận kết quả tích cực. Trước đó, trong 5 quý liên tiếp, doanh thu phí bảo hiểm đều suy giảm so với cùng kỳ. 

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 165.500 tỷ đồng, giảm 0,4%. Trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.540 tỷ đồng, tăng gần 12,8%. Riêng doanh số từ bảo hiểm nhân thọ ghi nhận giảm 6,4%, còn khoảng 107.000 tỷ đồng. 

 

Sự hồi phục trở lại này của thị trường cũng ảnh hưởng tích cực tới kênh bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng, mảng từng mang lại hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận cho nhiều ngân hàng từ các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với nhiều thương hiệu.

Trong số 9 ngân hàng thuyết minh chi tiết về thu nhập từ hoạt động bảo hiểm có sự phân hoá rõ nét. 4 ngân hàng ghi nhận tăng mạnh, 4 ngân hàng giảm và một ngân hàng duy trì mức như cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét tổng doanh thu bảo hiểm của 9 ngân hàng vẫn tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 10.500 tỷ đồng.

Tín hiệu cải thiện hiện rõ khi trong cùng kỳ năm trước, 8/9 ngân hàng nói trên đều ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm giảm (26,1% so với cùng kỳ).

Thống kê cho thấy, Kienlongbank là ngân hàng có mức tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm cao nhất trong các ngân hàng, với mức tăng gần 74%. Ngoài Kienlongbank, có đến 3 ngân hàng tăng trưởng thu nhập bảo hiểm hai chữ số, bao gồm VPBank (tăng 51,34%), Techcombank (tăng 29,69%), SeABank (tăng 14,29%). 

Trong khi đó, một số ngân hàng như VIB, PGBank, LPBank hay TPBank lại chứng kiến thu từ bảo hiểm giảm sâu, có ngân hàng giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.

 

Nếu xét trong tổng thu từ dịch vụ của các ngân hàng nói trên, mức độ tăng của thu từ kinh doanh bảo hiểm vẫn ở mức khiêm tốn khi tổng thu dịch vụ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng hơn 6% của mảng bảo hiểm.

Đó cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ trọngthu từ bảo hiểm trên thu nhập từ dịch vụ giảm về 27,31% từ ngưỡng gần 30% trong 9 tháng đầu năm ngoái.

Trong nhóm khảo sát, MB hiện là ngân hàng có thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cao nhất (5.990 tỷ đồng) và cũng là ngân hàng có tỷ trọng thu từ bảo hiểm trong tổng thu dịch vụ lớn nhất (57,3%). Tỷ trọng này ở VPBank là 29,1% cao hơn mức 21,6% cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng như LPBank,VIB, PGBank đều ghi nhận mức tỷ trọng giảm mạnh so với cùng kỳ về ngưỡng 13 - 14%.

 

Ngành bảo hiểm đối diện nhiều thay đổi

Thực tế, ngành bảo hiểm nhân thọ đã và đang đối diện với nhiều thay đổi. Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67/2023 đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn.

Kênh phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) hiện cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Các ngân hàng bị cấm bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau giải ngân 60 ngày. Đồng thời, tư vấn viên phải ghi âm, ghi hình quá trình tư vấn. Các kỳ thi với sản phẩm liên kết đơn vị được tổ chức khắt khe, khiến tỷ lệ đỗ xuống thấp.

Trong quý III, mặc dù mức tăng còn khiêm tốn nhưng đây có thể xem là tín hiệu tích cực cho thị trường bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV), cho biết chỉ số tăng trưởng dương trong quý III cho thấy niềm tin, sự lạc quan đã dần quay lại với thị trường bảo hiểm nhân thọ, dù còn nhiều khó khăn phía trước để giữ vững đà tăng này.

Kết quả này cũng có được nhờ các doanh nghiệp đã liên tục triển khai các hoạt động hướng về khách hàng, như đơn giản hóa quy trình, giới thiệu các sản phẩm đa dạng phù hợp với các phân khúc khác nhau, nâng cao quyền lợi bảo vệ, chăm sóc khách hàng…

Theo đó, 9 tháng đầu năm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 821.200 tỷ đồng, tăng 10%. Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 978.900 tỷ đồng, tăng 9,8%. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 12,4%. 

Vừa qua, ngành bảo hiểm Việt Nam tiếp tục gặp khó do hậu quả từ cơn bão Yagi. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp bảo hiểm cập nhật đến chiều 20/9, ngành bảo hiểm nhân thọ đã ghi nhận 23 trường hợp tử vong, 6 trường hợp thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền ước tính chi trả quyền lợi bảo hiểm là khoảng 13 tỷ đồng.

Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới, bảo hiểm sức khỏe, ước tính thiệt hại là khoảng 9.000 tỷ đồng do bão Yagi gây ra.

Minh Nguyệt